Áp lực lớn nhất là cung cấp số liệu thống kê cho xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt đầu triển khai đánh giá thực hiện Chiến lược Phát triển ngành thống kê giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học thống kê (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về nội dung này.

Thưa ông, nói một cách khái quát, ngành thống kê đã đạt được những gì sau 10 năm thực Chiến lược Phát triển giai đoạn 2011 – 2020?

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với rất nhiều mục tiêu đặt ra như phát triển nhanh, bền vững; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và có hiệu quả với số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu thông tin thống kê của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế… Đặc biệt, Thủ tướng giao nhiệm vụ, đến năm 2020, thống kê Việt Nam đạt trình độ khá và năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Sau 10 năm thực hiện, năng lực của thống kê Việt Nam được nâng lên. Chỉ số Năng lực thống kê năm 2019 của Việt Nam, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), đạt gần 79/100 điểm, xếp thứ 19/145 nước (tăng 12 bậc so với năm 2010), xếp thứ 5 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 4 tại ASEAN, tăng 2 bậc so với năm 2010.

Vấn đề là người dùng tin (cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp) “xếp hạng” thế nào…?

Việc cung cấp và chia sẻ thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành được cải thiện nhiều trên cơ sở thực hiện chế độ báo cáo thống kê và ký kết văn bản về cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin thống kê. Nhiều bộ, ngành đã cung cấp số liệu cho Tổng cục Thống kê đầy đủ và đúng thời hạn hơn, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… Nhờ đó, số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, làm cho mức độ hài lòng của người dùng tin ngày càng tăng lên.

Kết quả điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê năm 2017 về việc phổ biến, cung cấp thông tin của ngành thống kê cho thấy, có 37,5% số người sử dụng tin hài lòng; hơn 57% tương đối hài lòng và chỉ có 5,3% số người sử dụng tin chưa hài lòng, giảm gần 3 điểm phần trăm so với năm 2013.

Nhưng một số chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi về không ít số liệu do ngành thống kê công bố?

Phải thừa nhận rằng, số liệu của một số chỉ tiêu về tiền tệ, tài khóa vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của Hệ thống phổ biến dữ liệu chung, nhất là Hệ thống phổ biến dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về phạm vi, phân tổ, tính kịp thời hay tần suất biên soạn, phổ biến số liệu. Việc cung cấp số liệu cho thống kê ASEAN ở một số lĩnh vực cũng chưa đầy đủ, như thống kê thương mại quốc tế về hàng hóa thiếu số lượng theo mã HS 8 chữ số, phân tổ theo phương thức vận tải và hàng tái xuất.

Việc tính toán một số chỉ tiêu liên quan đến phân tổ số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang tính so sánh quốc tế còn hạn chế do số liệu về giá trị vốn thực hiện chưa phân chia được theo các nguồn vốn, cũng không chia thành vốn bằng tiền và vốn bằng hiện vật và các khoản tương đương tiền như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, thương hiệu.

Ngoài ra, các báo cáo phân tích thống kê còn mang tính chất mô tả số liệu nhiều hơn là phân tích, giải thích về dữ liệu. Các dự báo thống kê chủ yếu là ước tính số liệu cho dự báo ngắn hạn, mà chưa có nhiều dự báo trung và dài hạn. Đây cũng là nguyên nhân khiến đôi khi người sử dụng tin tỏ thái độ nghi ngờ số liệu vì không phải ai sử dụng số liệu cũng hiểu hết về số liệu.

Như vậy, áp lực để đạt mục tiêu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực là rất lớn?

Áp lực lớn nhất của ngành thống kê hiện nay không phải là cung cấp số liệu, dữ liệu thống kê khách quan, trung thực, kịp thời cho các cơ quan nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương, mà là cung cấp số liệu, dữ liệu đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội ngày càng cao. Người sử dụng thông tin thống kê bây giờ có đòi hỏi rất cao, không chỉ tiếp nhận thông tin, mà người sử dụng tin, đặc biệt là nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp còn đòi hỏi phải minh bạch hóa dữ liệu, quy trình sản xuất thông tin.

Hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh phát triển rất mạnh mẽ đang làm thay đổi rất nhiều hoạt động truyền thống. Việc này cũng gây áp lực rất lớn cho ngành thống kê. Ví dụ, trước đây, người dân muốn mua hàng hóa thì ra chợ, cửa hàng tạp hóa, thậm chí mua ở vỉa hè hoặc đến siêu thị, trung tâm thương mại; muốn khám chữa bệnh thì đến cơ sở khám chữa bệnh; muốn học tập, đào tạo thì đến cơ sở giáo dục, đào tạo, nhưng do sự phát triển của công nghệ thông tin, mọi hoạt động kể trên đều có thể thực hiện qua mạng Internet. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thậm chí kể cả họp hành, hội thảo, toạ đàm của các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức cũng được thực hiện qua mạng Internet. Trong tình hình như vậy, ngành thống kê phải sản xuất thông tin về các hoạt động kinh tế thế nào để đưa ra con số chính xác là áp lực rất lớn.

Sau khi Chiến lược Phát triển thống kê 2011 – 2020 kết thúc, dự kiến vào tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chiến lược mới. Thưa ông, làm gì để lĩnh vực thống kê đáp ứng được tình hình mới?

Rất may là thống kê nhà nước đang sở hữu kho dữ liệu thống kê ngày càng nhiều, phong phú và đa dạng; hạ tầng cho hoạt động thống kê được bảo đảm. Đặc biệt, ngành thống kê nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ.

Chưa bao giờ, chỉ trong một nhiệm kỳ, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đến dự hội nghị của ngành thống kê nhiều như nhiệm kỳ này. Đến dự hội nghị của ngành, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đã bị bỏ lỡ cơ hội.

Ví dụ, năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì nghiên cứu Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, trong đó có kinh tế phi chính thức, nhưng phải đến năm 2019, Thủ tướng mới yêu cầu phải thực hiện đề án này. Đầu năm 2020, dự Hội nghị Tổng kết ngành thống kê, Thủ tướng giao nhiệm vụ thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế là “nhiệm vụ đặc biệt” của ngành thống kê.

Nếu việc chỉ đạo này được thực hiện sớm hơn 5 – 10 năm, thì bây giờ, Việt Nam đã có được bức tranh kinh tế hoàn chỉnh hơn để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030.

Để triển khai Chiến lược Phát triển thống kê giai đoạn tới, có rất nhiều việc phải làm. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng chiến lược này, trong đó, chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục ngay như thông tin thống kê được công bố chưa tương xứng với nguồn dữ liệu sẵn có; chuẩn thống kê chưa được ban hành, áp dụng thống nhất; hệ thống hóa, kế thừa, đổi mới, phát triển dữ liệu thống kê của các bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức.

Thái Học (sưu tầm)

Nguồn: https://baodautu.vn/ap-luc-lon-nhat-la-cung-cap-so-lieu-thong-ke-cho-xa-hoi-d124384.html