Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5/2019 chắc chắn rất lớn vì ngoài 2 đợt nghỉ lễ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, CPI còn chịu áp lực của việc tăng giá điện và giá xăng dầu?

Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn – Báo đầu tư) Áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 và tháng 5/2019 chắc chắn rất lớn vì ngoài 2 đợt nghỉ lễ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, CPI còn chịu áp lực của việc tăng giá điện và giá xăng dầu, thưa bà?

Trả lời:

(Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê)

Ngày 20/3/2019, giá điện tăng thêm 8,36%, không tác động đến CPI tháng 3 vì ngành điện chốt chỉ số công tơ của người tiêu dùng vào cuối tháng. Việc tăng giá điện sẽ tác động lên CPI của tháng 4 và tháng 5. Nhưng theo tính toán của chúng tôi, giá điện tăng tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp chỉ làm CPI tăng thêm 0,29%. Tác động trực tiếp là tác động ngay đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện, sẽ tác động vào CPI tháng 4, còn tác động gián tiếp là khi giá điện tăng, đầu vào sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng, làm tăng giá bán sản phẩm, sẽ tác động lên CPI tháng 5.

Đáng ra, giá bán lẻ xăng dầu đã phải tăng từ ngày 18/3. Tuy nhiên, trước việc tăng giá điện vào ngày 20/3, Tổng cục Thống kê đã kiến nghị tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu vì cả 2 mặt hàng chiến lược này mà cùng tăng trong một thời điểm sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát tháng 3 và quý I/2019, thậm chí có thể gây hoang mang cho người dân.

Việc tăng giá xăng dầu với mức khá cao trong ngày 2/4 (xăng E5 tăng 1.377 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.484/lít, các mặt hàng dầu tăng 1.086 – 1.219 đồng mỗi lít, kg) không hề bất ngờ, mà đều được tính toán từ trước và nằm trong kịch bản điều hành giá của Chính phủ, với mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát nằm trong mức từ 3,3 – 3,9%.