Áp lực tăng giá năm nay có cao không?

Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn – Báo đầu tư) Theo bà, áp lực tăng giá năm nay có cao không?

Trả lời:

(Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê)

Xăng dầu điều hành theo thị trường thế giới, nên cứ 15 ngày điều chỉnh một lần. Việc này đã được thực hiện từ nhiều năm nay, chứ không riêng gì năm 2019. Dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt… năm nào cũng có. Lương cơ sở năm nào cũng điều chỉnh, chứ không phải chỉ có năm nay.

Nói chung, ngoài việc tăng giá điện thì điều hành giá năm nay cũng không có gì đột biến và việc tăng giá điện, như tôi đã nói, chỉ tác động làm tăng CPI cả trực tiếp lẫn gián tiếp 0,29%. Vì vậy, khả năng kiểm soát CPI dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đặt ra hoàn toàn trong tầm tay.

Trước diễn biến của thị trường, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đều có các kịch bản điều hành. Nói như vậy không có nghĩa là việc kiểm soát lạm phát dưới 4% dễ dàng, vì thực hiện lộ trình chuyển từ phí sang giá, các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là giá dịch vụ y tế (viện phí) và giá dịch vụ giáo dục (học phí) sẽ tăng.

Đối với học phí, thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP, năm học 2019 – 2020, học phí tiếp tục tăng theo lộ trình. Còn đối với viện phí, thực hiện Nghị định 85/2012/NĐ-CP, theo lộ trình thì bắt đầu từ năm 2013, viện phí sẽ dần từng bước tính đúng, tính đủ gồm chi phí trực tiếp; khấu hao tài sản, thiết bị, máy móc; chi phí tiền lương và chi phí quản lý.

Giá điện đã tăng khiến chi phí trực tiếp khám chữa bệnh tăng; lương cơ sở sẽ tăng từ ngày 1/7/2019 (từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng), nên lương của nhân viên y tế và dịch vụ thuê ngoài tăng; chi phí quản lý của lĩnh vực khám chữa bệnh sẽ được tính vào viện phí trong năm nay. Tất cả những yếu tố này tạo áp lực tăng viện phí, qua đó tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát.

Nguồn: https://baomoi.com/lam-phat-trong-tam-kiem-soat/c/30301729.epi