Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một số ý lo ngại việc này sẽ làm tăng quy mô GDP, và nới lỏng tỷ lệ nợ công, từ đó dẫn đến tăng quy mô nợ công. TCTK có phản hồi thế nào?

Câu hỏi: (PV Vũ Thủy – Báo Đại biểu nhân dân) Thưa ông Nguyễn Bích Lâm, khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, một số chuyên gia (trong đó có chuyên gia là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng) bày tỏ ý lo ngại rằng việc này sẽ làm tăng quy mô GDP, và rất có thể nới lỏng tỷ lệ nợ công, từ đó dẫn đến tăng quy mô nợ công. Vậy với tư cách là Tổng cục trưởng TCTK, Ông sẽ có phản hồi như thế nào với những lo ngại của các chuyên gia này? (Họp báo công bố Đề án khu vực kinh tế phi chính thức ngày 20/02/2019)

Trả lời:

(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)

Trước hết, tôi phải khẳng định Tổng cục Thống kê hoạt động với trách nhiệm là làm thế nào để thông tin phản ánh đúng nhất quy mô về chỉ tiêu GDP, hay nói cách khác phản ánh xác thực tình hình kinh tế – xã hội của tất cả các chỉ tiêu kinh tế – xã hội. Khi những chỉ tiêu kinh tế – xã hội tính toán còn thiếu, chưa đầy đủ thì ngành Thống kê phải có trách nhiệm và có giải pháp thu thập thêm thông tin bổ sung để đánh giá đầy đủ chỉ tiêu này, đây là trách nhiệm của cơ quan thống kê không phải riêng ở Thống kê Việt Nam mà là của bất kỳ cơ quan thống kê nào trên thế giới.

Người làm công tác Thống kê là người viết sử về tình hình kinh tế – xã hội nên phải có trách nhiệm viết cho trung thực. Chúng ta không nên lo ngại việc bổ sung thêm quy mô GDP thì sẽ gây ra nợ công tăng thêm. Việc nợ công tăng thêm hay chi tiêu công tăng thêm đó là chính sách của Chính phủ, việc nợ công hay chi tiêu tăng thêm được quyết định vào từng giai đoạn, từng thời kỳ của nền kinh tế, còn Thống kê phải có trách nhiệm cung cấp bức tranh thực tế để Chính phủ đánh giá tình hình từ đó đưa ra các giải pháp, quyết sách đúng đắn.

Hiện nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với GDP khoảng 61,4%, so với các nước khác thì tỷ lệ này chỉ ở mức bình thường (Ví dụ, tỷ lệ nợ công so với GDP ở Italia là trên 150%), tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam quy mô con nhỏ, tiềm lực tài chính chưa dồi dào nên Quốc hội đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nợ công so với GDP không được vượt quá 65%. Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện rất tốt việc này. Những năm gần đây kinh tế phát triển tốt, tăng trưởng tốt, quy mô GDP được mở rộng cho nên tỷ lệ nợ công ở nước ta ngày càng giảm xuống, cho nên các nhà kinh tế lo ngại là lo quá xa cho nền kinh tế nước ta. Ngành Thống kê không chịu tác động của yếu tố khách quan nào, mà chỉ có trách nhiệm phản ảnh đúng tình hình khách quan của nền kinh tế.