Định nghĩa Chồng, Vợ và Con

Thống cùng với nhóm người bạn của mình vừa uống cà phê vừa “chém gió” phần phật. Một người trong nhóm đề nghị chuyển chủ đề: Hôm nay, “ngày gia đình Việt Nam”, mỗi người hãy đưa ra định nghĩa một thành viên trong gia đình có liên quan đến nghề nghiệp hoặc vị trí của mình trong gia đình. Lan làm việc ở Hội phụ nữ xin “định nghĩa” trước về người vợ:

“… Vợ là bà chủ trong nhà

Chớ có chọc giận kẻo ra đứng đường;

Vợ là người quản lý lương

Đến kỳ lại hỏi có nhường này ư;

Vợ là một vị gia sư

Suốt ngày giao giảng cứ như loa thùng;

Vợ là những trận bão giông

Khi chồng quá chén về không đúng giờ;

Vợ là cả một ý thơ

Bút ta viết suốt canh giờ chưa xong;

Vợ là sư tử Hà Đông

Mỗi khi trên cổ áo chồng có son

Vợ nuôi ta, vợ dậy con

Vợ là cơm mãi thơm ngon suốt đời…”

Bình làm ở Thành đội “định nghĩa” tiếp luôn về Chồng:

“…Chồng như cây cột trong nhà

Để trông thì vướng, bỏ ra đổ tường;

Chồng như hàng hóa thị trường

Lúc thì cần gấp, lúc vương vất hoài;

Chồng như ốm gặp rổ khoai

Ăn vào xót ruột, bỏ hoài xót xa;

Chồng như cây cảnh trong nhà

Để trong thì vướng, bỏ ra trộm dòm

Chồng như một chất men say

Không có thì muốn, có day dứt mà;

Chồng như một khúc dân ca

Vợ người ca tuyệt, vợ ta ca xoàng…”

Bình dứt lời một lát rồi nhưng không ai tiếp lời…. được. Bình nói tiếp: “định nghĩa” về con khó đấy, chỉ có “Đại ca” Thống (Chi cục Thống kê) mới định nghĩa được thôi. Thống nói ngay: Con là một đơn vị của Tổng thể gia đình, phân tổ theo tiêu thức chất lượng “con hơn cha là nhà có phúc” thì định  nghĩa con là:

Con mà “giỏi vừa” là phép cộng tiền, tình cảm của gia đình;

Con mà “giỏi” sẽ là phép nhân tiền, tình cảm của gia đình;

Con mà “rất giỏi” sẽ là lũy thừa tiền, tình cảm của gia đình;

Ngược lại,   Con mà “kém vừa” là phép trừ tiền, tình cảm của gia đình;

Con mà “kém” là phép chia tiền, tình cảm của gia đình;

Con mà “rất kém” là phép khai căn tiền, tình cảm của gia đình;

Cả nhóm đồng thanh: Hay thật, hay thật…!!!

Vũ Liêm (TCTK)