Cơ quan thống kê quốc gia cần ưu tiên làm điều gì để đối phó với đại dịch?

Tác giả Gero Carletto và Francesca Perucci[1]

Đại dịch virus corona vẫn đang tiếp tục tàn phá các quốc gia trên thế giới, tính đến nay cả thế giới có: 798.866 ca tử vong và 22.979.918 ca nhiễm bệnh[2]. Hầu hết các quốc gia vẫn đang áp dụng một số giới hạn để hạn chế sự lây lan của virus và vẫn tiếp tục hoạt động ở chế độ khẩn cấp. Các hệ thống thống kê quốc gia cũng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức to lớn do hậu quả của cuộc khủng hoảng vào thời điểm mà dữ liệu cần thiết hơn bao giờ hết để cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp quan trọng nhằm phục hồi, khởi động lại nền kinh tế và giải quyết tác động lâu dài của đại dịch.

Phòng Thống kê của Ủy ban các vấn đề Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) và Nhóm Dữ liệu Phát triển của Ngân hàng Thế giới, phối hợp với 05 ủy ban khu vực của Liên hợp quốc, vừa công bố kết quả vòng hai của một cuộc khảo sát trực tuyến toàn cầu nhằm theo dõi tác động của cuộc khủng hoảng virus corona đối với các Cơ quan Thống kê Quốc gia (NSO). Cuộc khảo sát cung cấp thông tin chính nhằm xác định các lĩnh vực cần ưu tiên hỗ trợ từ các đối tác và xây dựng kế hoạch cho các can thiệp dài hạn.

Trong khi vòng đầu tiên của cuộc khảo sát cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình hình vào tháng 5 năm 2020, thì vòng thứ hai xem xét các hạn chế và gián đoạn đã giảm đi hoặc trở nên phổ biến hơn theo thời gian và cách các bên liên quan trong nước và quốc tế phối hợp ứng phó với những thách thức về dữ liệu do đại dịch gây ra.

Kết quả được thu thập từ các nhà thống kê chính của hơn 100 quốc gia giúp hiểu rõ về nhu cầu hỗ trợ cụ thể và cách giải quyết tốt nhất để giúp các quốc gia vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này. Họ cũng nêu rõ sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực và mức thu nhập, do các cơ quan thống kê ở các nước thu nhập thấp và trung bình phải đối mặt với mức độ gián đoạn hoạt động cao nhất và có nhu cầu lớn nhất về hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực tài chính.

Trong khi các cơ quan thống kê đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu kịp thời và đáng tin cậy để giúp các chính phủ ứng phó hiệu quả với các tác động kinh tế xã hội và sức khỏe của đại dịch, thì các NSO ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp lại chú ý đến sự phối hợp chưa đầy đủ của các hệ thống thống kê quốc gia trong ứng phó với đại dịch như vấn đề thiếu cơ sở hạ tầng thích hợp cho phép chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả sang các hoạt động từ xa và nhu cầu khẩn cấp về hỗ trợ bổ sung để đối mặt với những thách thức này.

Dưới đây là một số vấn đề chính:

Trong khi nhiều cơ quan đã mở cửa trở lại và đang dần quay trở lại chế độ thu thập dữ liệu trực tiếp, phần lớn các cơ quan vẫn hoạt động ở chế độ khẩn cấp với một số hoặc tất cả nhân viên làm việc tại nhà. Mặc dù làm việc từ xa đã trở thành tiêu chuẩn mới đối với nhiều người, nhưng có tới 20% cơ quan gặp khó khăn trong khả năng làm việc tại nhà do trang thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) không đầy đủ. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ kỹ thuật số, để hỗ trợ công việc từ xa, đào tạo, thu thập dữ liệu và lưu trữ dữ liệu, đó là những yếu tố quan trọng đối với các NSO hoạt động trong thời kỳ đại dịch.

 Sản xuất thống kê trong ngắn hạn, vốn chủ yếu dựa vào các phương pháp trực tiếp truyền thống đang tiếp tục bị ảnh hưởng, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất. ¾ quốc gia trong nhóm thu nhập thấp cho thấy ​​việc sản xuất số liệu thống kê hàng tháng và hàng quý của họ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Ngược lại, 2/3 số quốc gia thuộc nhóm thu nhập cao cho biết việc sản xuất số liệu thống kê ngắn hạn của họ hoàn toàn không bị ảnh hưởng, điều này có thể một phần là do họ đã sử dụng số liệu các nguồn dữ liệu hành chính nhiều hơn để thay thế phương pháp điều tra truyền thống đồng thời sử dụng các chế độ thu thập dữ liệu từ xa. Điều này nhấn mạnh nhu cầu đầu tư nhanh để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết và phổ biến kỹ năng phù hợp trên các nhà sản xuất dữ liệu hệ thống thống kê quốc gia ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Việc điều phối các hệ thống thống kê quốc gia cần được tăng cường ở nhiều quốc gia để đáp ứng hiệu quả nhu cầu dữ liệu liên quan đến đại dịch COVID-19. Điều phối dường như là thách thức nhất ở Châu Đại Dương và Châu Phi cận Sahara, nơi chỉ có khoảng 1/3 các quốc gia báo cáo cho thấy sự hài lòng với mức độ điều phối hiện tại. Hệ thống thống kê quốc gia được điều phối tốt là rất quan trọng để thu thập và phổ biến dữ liệu hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà hoạch định chính sách. Cần có sự điều phối và vai trò quản lý mạnh mẽ hơn của các Cơ quan Thống kê Quốc gia để giải quyết những vấn đề phối hợp này và nâng cao hiệu quả của các nỗ lực cá nhân.

Cần nhiều hỗ trợ hơn nữa để giúp các NSO giảm thiểu các thách thức của đại dịch COVID-19, đặc biệt là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Hầu hết các nước trong nhóm này đều bày tỏ nhu cầu mạnh mẽ đối với mọi hình thức hỗ trợ, bao gồm cả thiết bị và cơ sở hạ tầng. Trên 2/3 các nước có thu nhập trung bình cao cũng cho biết cần hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và hỗ trợ tài chính. Để chống lại sự bất bình đẳng về dữ liệu toàn cầu do đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm, cộng đồng thống kê toàn cầu và các nhà tài trợ phải khẩn trương cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các cơ quan thống kê quốc gia cần nhất.

Các NSO đã bày tỏ mối quan tâm của họ và xác định nhu cầu rõ ràng. Đặc biệt liên quan đến việc chống lại sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong sản xuất thống kê là lời kêu gọi tăng cường năng lực kỹ thuật và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số rất quan trọng đối với các NSO, trong vai trò điều phối của họ trong hệ thống thống kê quốc gia, để tiếp tục hoạt động hiệu quả và tận dụng lợi thế của sự phát triển nhanh phương pháp và công nghệ thu thập dữ liệu. Bây giờ là lúc các đối tác phát triển khởi động một nỗ lực phối hợp, mạnh mẽ trong các khoản đầu tư có mục tiêu nhằm phát triển các kỹ năng dữ liệu mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho các quốc gia có nhu cầu lớn nhất và yếu nhất về nhân lực và cơ sở hạ tầng vật chất để có thể hiện đại hóa và đổi mới.

Bài đăng trên blog này và báo cáo về vòng thứ hai của một cuộc khảo sát trực tuyến toàn cầu nhằm theo dõi tác động của cuộc khủng hoảng coronavirus đối với các NSO đã được xuất bản đồng thời trên trang web của Ngân hàng Thế giới.

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo khảo sát: Giám sát Tình trạng hoạt động thống kê trong Đại dịch COVID-19.

Bài đăng trên blog của Haishan Fu, Giám đốc Nhóm Dữ liệu Kinh tế Phát triển và Stefan Schweinfest, Giám đốc Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, Cách COVID-19 đang mở rộng hố sâu bất bình đẳng dữ liệu toàn cầu.

Ngọc Mai (lược dịch)

Nguồn: https://covid-19-response.unstatshub.org/statistical-programmes/priority-needs-of-national-statistical-offices/


[1] Gero Carletto là Nhà kinh tế hàng đầu và là Giám đốc Điều tra Đo lường Mức sống (LSMS), một chương trình khảo sát lâu đời của Ngân hàng Thế giới. Ông hiện cũng đang quản lý Trung tâm Dữ liệu Phát triển (C4D2), một trung tâm có trụ sở tại Rome của Nhóm Dữ liệu Phát triển của Ngân hàng Thế giới dành riêng cho việc thúc đẩy đổi mới phương pháp luận và tăng cường năng lực điều tra hộ gia đình ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Gero có hơn 25 năm kinh nghiệm trong việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu điều tra hộ gia đình. Ông đã xuất bản hơn 80 bài báo, sách và chương sách về các chủ đề khác nhau từ nghèo đói, di cư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như các phương pháp thu thập dữ liệu và các vấn đề đo lường. Trước đây, ông đã làm việc cho các cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc và cho Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (IFPRI). Gero có bằng Tiến sĩ và bằng Thạc sĩ về Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên của Đại học California ở Berkeley và bằng Laurea kiêm Laude về Thống kê của Đại học Siena, Ý.

Francesca Perucci là trưởng Phòng Tiếp cận và Phát triển dữ liệu của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc, nơi bà giám sát công việc về SDGs. Từ năm 2002 đến 2012, bà chịu trách nhiệm về chương trình giám sát toàn cầu MDGs. Trong một số năm, bà cũng quản lý chương trình phát triển năng lực của Cục Thống kê nhằm tăng cường hệ thống thống kê ở các quốc gia, tập trung vào số liệu thống kê và các chỉ số để theo dõi sự phát triển và MDGs. Bà Perucci bắt đầu sự nghiệp của mình tại Liên hợp quốc với tư cách là cố vấn kỹ thuật về giới và thống kê xã hội. Kể từ đó, ở các vị trí khác nhau trong hệ thống Liên Hợp Quốc, bà đã tập trung vào việc phát triển và thúc đẩy việc sử dụng các số liệu thống kê và chỉ số để theo dõi tiến độ phát triển và thông báo các chính sách. Từ năm 2012 đến năm 2014, bà là trợ lý Giám đốc Cơ quan Dân số Liên hợp quốc, nơi công việc của bà tập trung vào phân tích nhân khẩu học và hỗ trợ thực chất cho quá trình liên chính phủ về dân số và phát triển. Bà là tác giả của một số bài báo về thống kê xã hội và giới, hai số trong ấn phẩm của Liên hợp quốc về Phụ nữ trên thế giới, năm 1995 và 2000, và một số sổ tay thống kê về thống kê giới và thống kê xã hội. Bà là tác giả chính của Báo cáo MDG từ năm 2005 đến năm 2012.

[2] Số liệu đã được cập nhập theo địa chỉ: https://coccoc.com/search?query=s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20covid%20tr%C3%AAn%20th%E1%BA%BF%20th%E1%BB%9Bi