Covid-19 kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 0,55% – 0,84%

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I-2020 thì tăng trưởng kinh tế cả năm dự báo là 6,25% giảm 0,55% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trường hợp dịch được khống chế trong quý II-2020 thì tăng trưởng dự báo là 5,96% giảm 0,84%.

Theo báo cáo của Bộ Kê hoạch – Đầu tư tại phiên họp thường trực Chính phủ diễn ra ngày 12/2, dịch do virus Corona gây ra (Covid-19) ảnh hưởng mạnh tới nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Trong đó, phải kể đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp khi ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.

Như ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD (đứng thứ 5 sau Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc), chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nói chung về cơ bản chịu ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, một dự án khác của ngành Khoáng sản là Dự án luyện đồng tại Lào Cai cũng sẽ gặp khó khăn do phải nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ tại Lào Cai.

Bênh cạnh đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, khách Trung Quốc đến nước ta bình quân 1 quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644 nghìn lượt khách. Với các biện pháp hạn chế tạm thời của ta thì không có khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch.

Số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virut Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch gây ra. Trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian dịch thì đã hủy toàn bộ chuyến. Vận tải đường bộ và đường sắt, xe buýt, taxi cũng bị sụt giảm về sản do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, về cơ bản kim nghạch xuất, nhập khẩu giảm. Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I-2020 ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,0 tỷ USD, giảm 13,6%.

Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II-2020 thì ước tính quý II đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu dịch kéo dài giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm theo giá xăng dầu thế giới. Do vậy trong dự báo trong trường hợp dịch kết thúc trong quý I-2020 thì CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%, kết thúc trong quý II-2020 dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động xã hội của Việt Nam, điển hình là ngành giáo dục. Tính đến 16h50 ngày 8/2/2020, có 57 địa phương cho học sinh nghỉ thêm một tuần (10-16/2), điều này giúp ngăn chặn dịch lây lan nhưng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, sinh viên, nhiều lao động phải nghỉ việc, một số phải làm việc tại nhà để trông con.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, từ các ảnh hưởng nêu trên, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I-2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý II-2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I-2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Thái Học (sưu tầm)

Nguồn: http://daidoanket.vn/kinh-te/covid-19-keo-giam-tang-truong-kinh-te-viet-nam-tu-055-084-tintuc458790


Tin mới hơn:

Tin cũ hơn: