Đánh giá khu vực kinh tế không quan sát được lĩnh vực thống kê xã hội môi trường

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm. GDP được tính toán theo phương pháp sản xuất, phương pháp thu nhập và phương pháp sử dụng. Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường được giao chủ trì thực hiện Khảo sát mức sống dân cư, trong đó có thu thập các thông tin về chi tiêu dùng của hộ gia đình là một yếu tố để tính toán GDP theo phương pháp sử dụng. Trong quá trình thu thập thông tin về chi tiêu dùng của hộ gia đình cũng phát sinh hiện tượng thông tin không quan sát được, cụ thể như sau:

1. Các khoản chi tiêu ngầm (các khoản chi tiêu hợp pháp nhưng bị dấu giếm một cách có chủ ý):

Đây là hiện tượng đối tượng điều tra khai các khoản chi thấp hơn so với thực tế, đặc biệt là đối với các khoản chi mua có giá trị lớn như: Nhà cửa, đồ dùng cao cấp, vàng, kim loại, đá quý, vật trang sức,…

2. Các khoản chi tiêu bất hợp pháp (các khoản chi tiêu bị pháp luật cấm)

Đây là các khoản chi tiêu cho các hoạt động bị pháp luật cấm như: Chi cho hoạt động cá độ, lô đề, mại dâm, cờ bạc, các khoản tiêu cực phí (đút lót, biếu xén,…), chi mua các mặt hàng trong danh mục cấm của nhà nước (ma túy, vũ khí,…). Thông thường thì các khoản chi này gần như không thể khai thác được từ hộ gia đình.

3. Các khoản chi tiêu do hộ gia đình tự sản xuất (các mặt hàng được chi tiêu do hộ tự sản xuất ra)

Các mặt hàng này chủ yếu là từ hoạt động nông, lâm nghiệp, thủy sản của hộ, chúng được sản xuất ra không được bán, cho, đổi mà được giữ lại để hộ tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng có một số mặt hàng từ các hoạt động công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng được hộ giữ lại để tiêu dùng trong hộ. Thông tin về chi tiêu những mặt hàng này được thu thập đầy đủ trong Khảo sát mức sống dân cư.

4. Các khoản chi tiêu bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu

Mặc dù phiếu hỏi của Khảo sát mức sống đã được thiết kế theo chuẩn quốc tế và được cập nhật theo tình hình thực tế của Việt Nam nhưng vẫn có một số khoản chi tiêu chưa thu thập được thông tin do đối tượng điều tra không biết, đó là: các khoản chi về phúc lợi xã hội người dân được hưởng nhưng không phải trả tiền (công viên, hạ tầng cơ sở miễn phí,…), các khoản chi tiêu cho y tế do bảo hiểm chi trả, …

Vì Khảo sát mức sống dân cư áp dụng phương pháp hồi tưởng và nhiều khi chỉ hỏi người trả lời chính, hoặc chỉ hỏi trực tiếp được một số thành viên hộ gia đình , nên các khoản bỏ sót còn bao gồm các khoản đã chi tiêu mà người trả lời không nhớ, hoặc chi tiêu của các thành viên khác mà người trả lời không biết.

* Một số kiến nghị:

Để có thể thu thập được đầy đủ các thông tin về chi tiêu dùng của hộ gia đình cần có một số giải pháp sau:

(1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu được mục đích của Khảo sát mức sống dân cư.

(2) Nâng cao chất lượng các lớp tập huấn để đào tạo được một đội ngũ điều tra viên có nghiệp vụ điều tra tốt, có tinh thần trách nhiệm cao.

(3) Tiếp tục cải tiến điều tra (phương pháp, công cụ, phiếu hỏi) để có thể thu thập đầy đủ các khoản chi tiêu của hộ gia đình.

(4) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Nguyễn Thế Quân (TCTK)