Đề xuất gì để khu vực DN có thể tiếp nhận hiệu quả gói hỗ trợ lần thứ hai

Câu hỏi(PV Thu Hiền (Thực hiện) Ông có đề xuất gì để khu vực DN có thể tiếp nhận hiệu quả gói hỗ trợ lần thứ hai? (Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/ts-nguyen-bich-lam-nguyen-tong-cuc-truong-tong-cuc-thong-ke-goi-ho-tro-lan-thu-hai-can-co-quy-mo-tac-dong-du-lon-va-mang-tinh-dai-han-133235.html)

Trả lời:

TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

– Theo tôi, trước mắt cần rà soát các điều kiện để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng. Thực tế trong thời gian qua, với gói hỗ trợ trị giá 250 nghìn tỷ đồng, nhưng với điều kiện hỗ trợ chưa phù hợp, phức tạp, thiếu khả thi và chưa sát thực tế với khu vực doanh nghiệp, nên chỉ có khoảng 20% số DN đáp ứng được yêu cầu của gói hỗ trợ này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho DN, đồng thời, xem xét cắt giảm giá điện cho khu vực DN, các hộ kinh doanh để giảm chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN và các hộ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cần ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; có giải pháp hỗ trợ vốn cho DNNVV thông qua Quỹ Phát triển DNNVV để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết để vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành và khẩn trương thực hiện chính sách kinh tế mới để lôi kéo DN tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất trong điều kiện bình thường mới của nền kinh tế; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế… Về phía các DN, cần chú trọng đào tạo lực lượng lao động, đặc biệt đội ngũ lao động trẻ hiện nay chiếm 28,5% lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ DN đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch Covid-19 tạo ra.

Trong bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc và khác biệt do đại dịch Covid-19, với thực tế kinh tế nước ta có độ mở lớn, Chính phủ cần khẩn trương có chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ cần được đưa ra thực hiện, điều chỉnh đúng lúc và kịp thời.