Hội thảo quốc tế về Tổng sai số điều tra năm 2016 được tổ chức từ ngày 9 đến 12 tháng 10 năm 2016 tại Sydney, Australia

Hội thảo quốc tế về Tổng sai số điều tra (International Total Survey Error Workshop- ITSEW) là một chuỗi các hội thảo được diễn ra hàng năm với mô hình độc lập bắt đầu từ năm 2005 tại Washington, Mỹ. Khái niệm đầu tiên về Tổng sai số điều tra (TSE) do W. Edwards Deming xây dựng, đề cập đến vấn đề hội tụ tất cả các sai số phát sinh trong quá trình thiết kế, thu thập, xử lý, và phân tích dữ liệu điều tra. Mô hình TSE cung cấp khung lý thuyết để tối ưu hóa những cuộc điều tra thông qua tối ưu hóa chất lượng dữ liệu mà vẫn đảm bảo nguồn ngân sách trong phạm vi cho phép. ITSEW đã được tổ chức từ năm 2005 và tổ chức hàng năm kể từ năm 2008. Mục đích của ITSEW là cho phép các nhà nghiên cứu, các điều tra viên, và các cơ quan chủ trì (ví dụ, các cơ quan thống kê chính thức) quan tâm đến Tổng sai số điều tra được gặp mặt thường xuyên để giải quyết các vấn đề: Rà soát tiến trình của các vấn đề quan trọng; Xác định chi tiết các vấn đề bức xúc hiện nay, và kết nối một chương trình nghiên cứu để giải quyết các vấn đề này; Hợp tác nghiên cứu để thực hiện các nghiên cứu cần thiết; Xác định các nhu cầu đang nổi lên. ITSEW chú trọng vào những khoảng trống nghiên cứu hiện tại, tương lai và biểu dương những nơi đã và đang có kết quả nghiên cứu nhất định.

Chủ đề của Hội thảo quốc tế  về Tổng sai số điều tra năm 2016  là “Liệu tổng sai số điều tra có cứu vãn khoa học điều tra?”. Để phù hợp với chủ đề này, các bài thuyết trình được khuyến khích các vấn đề như: Những suy luận từ mẫu phi xác suất; Thiết kế Bảng hỏi để giảm thiểu Tổng sai số điều tra; Thiết kế thu thập thông tin để giảm thiểu sai số và những phương pháp giúp giảm tác động của sai số đến ước lượng và phân tích.

Ngoài ra, hội thảo còn bao gồm một số chủ đề khác đã được trình bày trong những kỳ hội thảo trước đây nhưng vẫn được quan tâm trong năm 2016 bao gồm:

– Đánh giá đồng thời tác động của hai hoặc nhiều nguyên nhân sai số tới tổng sai số điều tra. Ví dụ, sai số trả lời và sai số không trả lời;

– Quan hệ tác động qua lại giữa các nguyên nhân sai số. Ví dụ, giữa sai số do không trả lời với sai số do điều chỉnh, hoặc sai số do điều tra viên và do người trả lời;

– Các phương pháp để mô phỏng tác động của nhiều nguyên nhân sai số đối với Tổng sai số điều tra;

– Các khái niệm và lịch sử phát triển của Tổng sai số điều tra;

– Tổng thuật tài liệu và phân tích tổng hợp về Tổng sai số điều tra;

– Tác động của khái niệm Tổng sai số điều tra đối với phương pháp luận điều tra;

– Các mô hình điều tra và các đặc trưng khác của Tổng sai số điều tra;

– Các phương pháp mới để ước lượng các thành phần của sai số bình phương trung bình;

– Các phương pháp luận để so sánh các Tổng sai số điều tra của hai hoặc nhiều phương pháp thu thập dữ liệu;

– Báo cáo kết quả đánh giá Tổng sai số điều tra trong các cuộc điều tra phức tạp;

– Sử dụng các hồ sơ chất lượng để hiểu được và giảm thiểu Tổng sai số điều tra;

– Sử dụng các ước lượng trước đó của sai số phi chọn mẫu trong thiết kế các cuộc điều tra mới hoặc phân bổ nguồn lực để giảm sai số điều tra

– Nghiên cứu mẫu về các thành phần sai số phi chọn mẫu đã có hoặc đang thực hiện;

– Nhận thức  của khách hàng hoặc người sử dụng về khái niệm Tổng sai số điều tra;

– Tiếp tục những công việc đã được trình bày trong những lần hội thảo trước đó.

Chương trình hội thảo xem chi tiết tại:

https://consol.eventsair.com/QuickEventWebsitePortal/itsew2016/itsew16/ExtraContent/ContentPage

Những thông tin về các chủ đề của các lần tổ chức trước đó xem tại trang web: http://www.niss.org/search/node/itsew

Vân Anh (dịch và tổng hợp)

Nguồn: https://consol.eventsair.com/QuickEventWebsitePortal/itsew2016/itsew16