Một số kết quả của sáng kiến Data For Now nhằm tăng cường khả năng sẵn có các dữ liệu SDG

Tại Đại hội Thống kê Thế giới (WSC) lần thứ 63 vừa được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 7 năm 2021 bằng hình thức trực tuyến, một phiên họp đã được thiết kế để trình bày một số kết quả của sáng kiến Data For Now, một sáng kiến  nhằm tăng cường khả năng sẵn có các dữ liệu SDG – một sáng kiến được thực hiện nhằm tăng cường sử dụng các phương pháp và công cụ mạnh mẽ để cải thiện tính kịp thời, mức độ phù hợp và chất lượng của dữ liệu SDG thông qua hợp tác và đối tác, hỗ trợ về kỹ thuật và năng lực cũng như chia sẻ thông tin. Sáng kiến ​​này được hỗ trợ bởi bốn đối tác hoạt động: Đối tác Toàn cầu về Dữ liệu Phát triển Bền vững, Ngân hàng Thế giới, Bộ phận Thống kê Liên hợp quốc và SDSN TReNDS. Tại phiên họp, một số cơ quan thống kê quốc gia tham gia thực hiện sáng kiến (Colombia, Senegal) đã trình bày những kết quả đạt được cũng như những kinh  rút ra trong quá trình thực hiện sáng kiến.

Tại Cơ quan thống kê Colombia (DANE), sáng kiến này được thực hiện đối với các SDG 1, 4 và 16. Cụ thể như sau:

Đối với SDG 1, DANE đã xây dựng một mô hình dự báo chỉ số nghèo đa chiều (MPI) cho năm 2018 dựa trên các số liệu sẵn có và các kỹ thuật dự báo. Trong thời gian tới, cơ quan sẽ sử dụng dữ liệu hành chính để ước tính được các chiều và MPI cả năm cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cơ quan cũng sẽ xây dựng mô hình ước lượng nghèo thu nhập dựa trên các kỹ thuật ước lượng khu vực nhỏ với các dữ liệu điều tra và dữ liệu hành chính. Cuối cùng, cơ quan dự kiến xây dựng các quy trình được chuẩn hóa để quản lý dữ liệu trong kiến trúc CNTT.

Đối với SDG 4, hiện nay DANE có một nhóm chuyên trách gồm 7 cơ quan nhằm kết nối, xây dựng một kho dữ liệu dùng chung. Hiện đã có phiên bản đầu tiên của hệ thống này cho dữ liệu về giáo dục. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Bộ giáo dục, DANE đã update hệ thống này để đo lường được khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh, từ đó đo lường được tác động của khoảng cách này đến tỉ lệ bỏ học.

Đối với SDG 16, trước hết cơ quan xác định thực trạng đo lường các chỉ tiêu của SDG16, từ đó nhận thấy nếu sử dụng dữ liệu truyền thống thì sẽ không có đủ dữ liệu để đo lường các chỉ tiêu này. Do đó, DANE tìm cách trích xuất các nguồn dữ liệu có sẵn trên mạng xã hội để tính toán bằng các phương pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên và phân tích từ ngữ, cùng với việc đào tạo một mô hình phân loại dữ liệu (machine learning). Một nhóm chuyên trách đã được thành lập bao gồm cả các bộ ngành và các tổ chức xã hội dân sự để thực hiện nhiệm vụ này.

Sáng kiến đã mang lại cho DANE nhiều lợi ích như: thúc đẩy các quá trình đổi mới dữ liệu trong cơ quan, nâng cao năng lực và tạo ra các khả năng mới cho các nhóm kỹ thuật, thu được các ý kiến từ nhóm chuyên gia của UNSD và nâng cao tính sẵn có của dữ liệu để thực hiện các chỉ tiêu SDG quốc gia

Sau quá trình thực hiện, DANE đã rút ra được một số kinh nghiệm. Cụ thể, DANE đã công bố tất cả các kết quả của dự án này trên website chính thức của cơ quan. Trên website của DANE có một module riêng để phổ biến các số liệu thử nghiệm, các số liệu này được coi là số liệu thống kê chính thức nhưng có một số đặc tính khác về chất lượng và quy trình sản xuất so với các số liệu được sản xuất một cách truyền thống. DANE cũng tổ chức một hội thảo trực tuyến để lấy ý kiến về các kết quả của dự án. DANE chia sẻ một số thách thức trong quá trình thực hiện như: quá trình xây dựng kế hoạch của các nhóm kỹ thuật còn gặp khá nhiều vướng mắc do chưa có một công cụ để lập kế hoạch cho các nhóm, đồng thời cơ quan mất khá nhiều thời gian để tìm được các chuyên gia phù hợp.

Đối với Cơ quan thống kê Senegal (ANSD), ANSD cho biết đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc tính toán các chỉ tiêu SDG, trong đó hơn 23% các chỉ tiêu SDG là không có sẵn dữ liệu để tính toán. Để giải quyết những khó khăn này, ANSD tham gia sáng kiến Data for Now ở 05 lĩnh vực: an ninh lương thực; dữ liệu thành thị; quản lý bền vững đất đai, nước và rừng; môi trường và biến đổi khí hậu; và Covid-19.

Để thực hiện sáng kiến này trên mỗi lĩnh vực, ANSD đã tổ chức các cuộc hội thảo cho từng lĩnh vực, từ đó xác định nhu cầu cho mỗi lĩnh vực này cũng như xác định được các bên liên quan và những nguồn dữ liệu cho mỗi lĩnh vực. Cuối cùng, ANSD xây dựng lộ trình thực hiện cho các hoạt động tiếp theo. Kết quả là ANSD đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc tính toán các chỉ tiêu SDG cho các lĩnh vực này, chẳng hạn như đối với lĩnh vực an ninh lương thực, ANSD đã ước tính được các chỉ tiêu liên quan đến an ninh lương thực thông qua sử dụng dữ liệu vi mô thu được trong các cuộc điều tra AGRIS được Bộ Nông nghiệp tiến hành hàng năm, đồng thời chuẩn bị tổ chức các khóa đào tạo về sử dụng các công cụ xử lý dữ liệu nông nghiệp./.

Trang Chun