Những năm vừa qua, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam dẫn đầu khu vực, nhưng thực tế, năng suất lao động của nước ta đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực?

Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Thưa ông, những năm vừa qua, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam dẫn đầu khu vực, nhưng thực tế, năng suất lao động của nước ta đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực?

Trả lời:

(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 8,8 triệu đồng/lao động so với năm 2017 (tương đương 346 USD). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2018 tăng 5,93% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm. Năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2008 – 2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với Singapore tăng 0,9%/năm; Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philippines (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng chú ý là, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.