Thống kê Y tế Thế giới 2014

Con người trên khắp thế giới đang sống lâu hơn, theo “Thống kê Y tế Thế giới năm 2014” được công bố ngày 15/5/2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dựa trên mức trung bình toàn cầu, một bé gái được sinh ra trong năm 2012 có thể sống đến 73 tuổi, và một bé trai là đến 68 tuổi. Điều này có nghĩa là hơn tuổi thọ trung bình toàn cầu cho một đứa trẻ sinh ra vào năm 1990 là sáu năm.

Báo cáo thống kê hàng năm của WHO cho thấy các nước có thu nhập thấp đã có được sự tiến bộ lớn nhất, với mức tăng trung bình trong tuổi thọ từ 1990-2012 là 9 năm. Sáu quốc gia hàng đầu mà tuổi thọ trung bình tăng nhiều nhất là Liberia, gia tăng 20 năm (từ 42 tuổi năm 1990 lên 62 tuổi vào năm 2012) tiếp theo là Ethiopia (từ 45 lên 64 tuổi), Maldives (58 lên 77 tuổi), Campuchia (54 lên 72 tuổi), Đông Timor (50 lên 66 tuổi) và Rwanda (48 lên 65 tuổi).

“Một lý do quan trọng để tuổi thọ toàn cầu đã được cải thiện rất nhiều là tỷ lệ trẻ em tử vong trước 5 tuổi giảm đi”, Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO nói. “Nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn còn rất lớn: người ở các nước có thu nhập cao tiếp tục có cơ hội tốt để sống lâu hơn so với những người ở các nước thu nhập thấp.”

Khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo

Một cậu bé sinh ra vào năm 2012 trong một quốc gia có thu nhập cao có thể sống đến khoảng 76 tuổi, lâu hơn 16 năm so với một cậu bé sinh ra ở một quốc gia có thu nhập thấp là 60 tuổi. Đối với các bé gái, sự khác biệt còn lớn hơn, khoảng cách là 19 năm (ở các nước có thu nhập cao là 82 tuổi, so với các nước có thu nhập thấp là 63 tuổi).

Bất cứ nơi nào trên thế giới, phụ nữ đều sống lâu hơn nam giới. Khoảng cách tuổi thọ giữa nam và nữ lớn hơn ở các nước có thu nhập cao, nơi phụ nữ sống lâu hơn đàn ông khoảng 6 năm. Ở các nước có thu nhập thấp, sự khác biệt là khoảng ba năm.

Phụ nữ Nhật Bản có tuổi thọ cao nhất thế giới là 87 năm, tiếp theo là Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Singapore. Tuổi thọ của nữ trong 10 nước đứng đầu là 84 năm hoặc lâu hơn. Tuổi thọ ở nam giới là 80 năm hoặc nhiều hơn trong chín quốc gia, với tuổi thọ nam cao nhất là ở Iceland, Thụy Sĩ và Úc.

“Ở các nước có thu nhập cao, phần lớn đạt được tuổi thọ là do thành công trong việc giải quyết các bệnh không lây truyền”, tiến sĩ Ties Boerma, Vụ trưởng Vụ Thống kê Y tế và hệ thống thông tin của WHO cho biết. “Người đàn ông và phụ nữ ít bị chết trước khi họ đạt đến sinh nhật thứ 60 vì những bệnh như bệnh tim và đột quỵ. Vì các nước giàu đã theo dõi chăm sóc bệnh huyết áp cao tốt hơn.”

Giảm sử dụng thuốc lá cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giúp đỡ những người sống lâu hơn ở một số nước.

Những nước có tuổi thọ thấp nhất đó là chín quốc gia châu Phi cận Sahara gồm:  Angola, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Công gô, Lesotho, Mozambique, Nigeria và Sierra Leone có tuổi thọ trung bình cho cả nam giới và nữ giới là chưa đến 55 tuổi.

Tuổi thọ trung bình ở nam giới và phụ nữ vào năm 2012

tại 10 quốc gia hàng đầu xếp hạng

Nam giới

Nữ giới

Xếp hạng

Quốc gia

Tuổi thọ

Xếp hạng

Quốc gia

Tuổi thọ

1

Iceland

81.2

1

Japan

87

2

Switzerland

80.7

2

Spain

85.1

3

Australia

80.5

3

Switzerland

85.1

4

Israel

80.2

4

Singapore

85.1

5

Singapore

80.2

5

Italy

85

6

New Zealand

80.2

6

France

84.9

7

Italy

80.2

7

Australia

84.6

8

Japan

80

8

Republic of Korea

84.6

9

Sweden

80

9

Luxembourg

84.1

10

Luxembourg

79.7

10

Portugal

84

* Các quốc gia có dân số dưới 250 000 bị bỏ qua do không chắc chắn trong tính toán tuổi thọ.

Một số sự kiện quan trọng khác từ “Thống kê Y tế Thế giới 2014”

Ba nguyên nhân hàng đầu của việc chết sớm là bệnh tim mạch vành, nhiễm trùng đường hô hấp dưới (như viêm phổi) và đột quỵ.

Trên toàn thế giới, một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong những nguyên nhân chết và độ tuổi chết. Tại 22 quốc gia (tất cả ở châu Phi), hàng năm, 70% hoặc nhiều hơn số người bị chết (do tử vong sớm) vẫn là do các bệnh truyền nhiễm và các điều kiện liên quan. Trong khi đó, tại 47 quốc gia (chủ yếu là thu nhập cao), các bệnh không lây và thương tích gây ra chiếm hơn 90%. Hơn 100 quốc gia đang chuyển nhanh chóng tới một tỷ lệ tử vong lớn hơn là do các bệnh không lây và thương tích.

Khoảng 44 triệu trẻ em (6,7%) trên thế giới ở độ tuổi ít hơn năm tuổi bị thừa cân hoặc béo phì trong năm 2012. Trong đó có khoảng mười triệu đứa trẻ đang ở trong khu vực châu Phi, nơi mà mức độ béo phì trẻ em đã tăng lên nhanh chóng.

Hầu hết các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi xảy ra ở trẻ em sinh non (17,3%); viêm phổi chịu trách nhiệm về số tử  vong cao thứ hai (15,2%).

Từ năm 1995 đến năm 2012, 56 triệu người đã được điều trị thành công bệnh lao và 22 triệu người đã được cứu sống. Trong năm 2012, ước tính có khoảng 450 000 người trên toàn thế giới phát triển bệnh lao kháng đa thuốc.

Chỉ một phần ba của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn thế giới được ghi nhận trong đăng ký dân sự cùng với nguyên nhân của cái chết.

Về số liệu thống kê của WHO

Xuất bản hàng năm kể từ năm 2005 của WHO, Thống kê Y tế Thế giới là nguồn thông tin xác thực về sức khỏe của người dân trên thế giới. Nó chứa dữ liệu từ 194 quốc gia về một loạt các chỉ số tỷ lệ tử vong, bệnh tật và hệ thống y tế bao gồm: Tuổi thọ, bệnh tật và tử vong do các bệnh chính, dịch vụ y tế và phương pháp điều trị, đầu tư tài chính trong y tế, cũng như các yếu tố nguy cơ và hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe.

P.A.Tuấn

Nguồn: http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2014/world-health-statistics-2014/en/