Tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam

Sáng ngày 21/7/2020 Tổng cục Thống kê (TCTK) đã phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng chủ trì Tọa đàm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tham dự buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK; ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK; bà Era Dabla-Norris, trưởng nhóm phụ trách về Việt Nam của IMF (tại điểm cầu Wasington DC – Hoa Kỳ); Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện một số bộ, ngành có liên quan; điểm cầu các chuyên gia của IMF và 63 Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đã nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cám ơn  IMF  đã nhận lời đồng chủ trì cuộc tọa đàm quan trọng này với Tổng cục Thống kê Việt Nam. Bà nhấn mạnh, đại dịch Covid19 diễn ra trong năm 2020 đã tác động nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế thế giới và doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2020, đã có nhiều nghiên cứu của tổ chức trong và ngoài nước cung cấp thông tin giúp Chính phủ Việt Nam, các cấp, các ngành và các địa phương nhận diện, đánh giá đầy đủ tác động của đại dịch Covid19 đến doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt hạn chế thiệt hại, tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid19 gây ra, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế.

Bà Era Dabla-Norris – Trưởng nhóm phụ trách về Việt Nam, IMF tại Hoa Kỳ chúc mừng và biểu dương Chính phủ Việt Nam đã ứng phó kịp thời và khống chế thành công dịch Covid-19, cũng như những phối hợp chặt chẽ của TCTK trong việc thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp Việt Nam. Bà cho biết, nghiên cứu sẽ cho thấy những góc nhìn rõ hơn về tính dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp Việt, để từ đó Chính phủ và các bên liên quan đưa ra được những giải pháp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Sau phần phát biểu khai mạc, các đại biểu tham dự nghe đại diện IMF cung cấp và chia sẻ về các thông tin đánh giá về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam (qua số liệu năm 2017, trước khi đại dịch Covid19 xuất hiện do Tổng cục Thống kê cung cấp) với Chủ đề: Việt Nam – Tính dễ bị tổn thương của doanh nghiệp và hệ lụy của cú sốc do Covid-19” – IMF sẽ đưa ra các cảnh báo về việc nền tảng (thiếu bền vững) của doanh nghiệp Việt dễ bị tổn thương trước các rủi ro như đại dịch Covid19 và các rủi ro tương tự nếu xảy ra.

Đại diện TCTK cung cấp và chia sẻ các thông tin về kết quả điều tra, đánh giá nhanh tác động của đại dịch Covid19 đến doanh nghiệp Việt Nam (trên cơ sở điều tra nhanh trên 126 nghìn doanh nghiệp trong khoảng thời gian 10 ngày, từ 10-20/4/2020 bằng phương pháp tiếp cận mới – điều tra trực tuyến với hình thức webform). Theo đó, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động của dịch Covid-19; 57,7% doanh nghiệp cho rằng thị trường tiêu thụ giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp khẳng định hàng hóa không xuất khẩu được; có 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động. Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.

Sau phần trình bày của đại diện TCTK và IMF, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận và đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động tiêu cực của dịch Covid19 đến doanh nghiệp chia theo quy mô; đánh giá tác động đến cuộc sống của hộ gia đình…

Kết luận Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK khẳng định, đây là điểm khởi đầu nghiên cứu và mong muốn thời gian tới chúng ta tiếp tục chia sẻ dữ liệu được cập nhật theo chuỗi năm đến năm 2021 để có một đánh giá toàn diện hơn, tốt hơn về các loại hình doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Một chuỗi thời gian đủ dài để đưa ra sự tổn thương của các doanh nghiệp sau dịch bệnh Covid-19 cũng như là tổn thương hiện hữu trước khi có Covid-19 của doanh nghiệp Việt Nam. Bà cũng bày tỏ mong muốn IMF cung cấp một bức tranh đánh giá toàn diện hơn về việc tổn thương của các doanh nghiệp ở các quốc gia xung quanh hoặc lân cận Việt Nam; đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực có doanh nghiệp thích nghi và ứng biến nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro từ tác động Covid19.

Về phía IMF, ông Francois Painchaud khẳng định, với bề dày hợp tác và đồng hành cùng TCTK, IMF sẵn sàng trước các đề nghị của TCTK trong việc hỗ trợ các vấn đề liên quan, nâng cao năng lực thống kê cũng như tiếp tục mở ra những hợp tác trong thời gian tới để có những kế hoạch dài hạn hơn.

Buổi Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh buổi Tọa đàm:

 Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK phát biểu khai mạc Tọa đàm

Bà Era Dabla-Norris, trưởng nhóm phụ trách về Việt Nam của IMF (tại điểm cầu Wasington DC – Hoa Kỳ) phát biểu tại buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Khương Duy