Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu như thế nào cho Chính phủ, các Bộ, ngành để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2019 mà Chính phủ đề ra

Câu hỏi: (PV Thúy Hiền-TTXVN) Vậy Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu như thế nào cho Chính phủ, các Bộ, ngành để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2019 mà Chính phủ đề ra?

(Nguồn: https://bnews.vn)

Trả lời:

(Ông Nguyễn Bích Lâm,Tổng cục trưởng TCTK)

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Theo đó, các cấp, ngành tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Chính phủ cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI và ODA; đồng thời tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; điều chỉnh phương thức sản xuất trong ngành trồng trọt, chuyển dần sang hướng tập trung tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Từ đó, hình thành sự liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và ổn định trong sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi; ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái phục vụ cho công tác tái đàn sau khi khống chế được dịch bệnh. Ngành thủy sản phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiệu quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EVFTA… Đối với xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng. Điều này góp phần quan trọng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này; đồng thời tận dụng được cơ hội mang lại từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.