Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu với Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020

Câu hỏi: (PV Thúy Hiền/Báo BNEWS/TTXVN) Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào trên cơ sở các con số thống kê, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020? (Nguồn: https://bnews.vn/nhung-giai-phap-de-nen-kinh-te-thuc-su-dot-pha/161097.html)

Trả lời:

TS. Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê

Như tôi đã nói ở trên, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2020 là vô cùng khó khăn.

Theo chúng tôi, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.

Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng COVID-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Tiếp theo cần tập trung vào một số nội dung như: Tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng cần được coi trọng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Theo tính toán của chúng tôi, nếu năm nay giải ngân được 100% vốn đầu tư công sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Ngoài ra, cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Đồng thời, Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định của hai Hiệp định EVFTA và EVIPA./.