Hội thảo Kết quả thực hiện Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) năm 2016 và kế hoạch năm 2017

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam, trong năm 2016 Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác thống kê, thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 01/12/2016, Tổng cục Thống kê (cơ quan điều phối quốc gia về GDDS) tổ chức Hội thảo “Kết quả thực hiện Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) năm 2016 và kế hoạch năm 2017”. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về GDDS chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành là thành viên thuộc Tổ Công tác liên ngành về GDDS, đặc biệt là các Bộ, ngành chủ chốt trong thực hiện GDDS là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê.

Thay mặt cho cơ quan điều phối quốc gia, ông Đậu Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Điều phối viên quốc gia về GDDS trình bày Báo cáo thực hiện GDDS năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Báo cáo đã chỉ rõ Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp tốt với nhau nằm đẩy mạnh sản xuất và phổ biến thông tin thống kê, công khai và cập nhật các bảng dữ liệu chú giải (metadata) về thực trạng biên soạn, phổ biến số liệu của Việt Nam theo tiêu chuẩn của IMF, hướng tới thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam đề ra đến năm 2020 tuân thủ đầy đủ Tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu riêng (SDDS).

Trong năm 2016, Tổng cục Thống kê và thống kê các Bộ, ngành tiếp tục tập trung thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam, Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thống kê Bộ, ngành, Đề án hội nhập thống kê ASEAN… Thực hiện thu thập, tổng hợp và công bố các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành; xây dựng và thực hiện Lịch phổ biến thông tin thống kê.

Đặc biệt, trong năm 2016, Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai, phổ biến và thực hiện Luật Thống kê 2015; trình Chính phủ 03 Nghị định quan trọng nhằm sớm đưa Luật Thống kê 2015 vào cuộc sống; trình Chính phủ ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia (Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016). Các Bộ, ngành cũng đã ban hành các các văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất và phổ biến thông tin thống kê, rà soát, cập nhật hệ thống chỉ tiêu thống kê và các chế độ báo cáo thống kê. Trong đó, Bộ Tài chính tích cực triển khai, phổ biến Luật Ngân sách Nhà nước 2015 với nhiều quy định liên quan đến phân tổ thống kê và phạm vi ngân sách phù hợp với thông lệ quốc tế, sát với phân loại quốc tế GFSM2001. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư 35/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BKHCN ngày 26/11/2015 của quy định về chế độ báo cáo thống kê cơ sở về khoa học công nghệ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành Quyết định số 982/QĐ-BHXH ngày 13/07/2016 về Hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo thống kê Ngành Bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý trong năm 2016, Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc đón tiếp và làm việc với chuyên gia của IMF giúp Việt Nam rà soát, đánh giá thực trạng đáp ứng của Việt Nam với Hệ thống phổ biến số liệu chung tăng cường (e-GDDS) và lên kế hoạch thiết lập Trang dữ liệu tóm tắt quốc gia (NSDP). Qua đánh giá của chuyên gia IMF, Việt Nam hiện đạt mức cơ bản 2 theo Khung e-GDDS với 14/15 hạng mục số liệu được biên soạn và phổ biến.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện GDDS và e-GDDS là duy trì và cập nhật metadata mới và chính xác trên Bảng tin Phổ biến số liệu của IMF (DSBB) và phổ biến trên website của cơ quan thống kê quốc gia. Các bảng metadata năm 2016 tiếp tục được bổ sung, cập nhật và hoàn chỉnh kịp thời, phù hợp với e-GDDS và theo hướng tiếp cận dần với SDDS. Nhìn chung, các bảng metadata của Tổng cục Thống kê và Bộ, ngành thể hiện được thông tin về các điều kiện tiên quyết của chất lượng thông qua năm khía cạnh liên quan là: (1) Tính thống nhất; (2) Phương pháp luận đúng đắn; (3) Tính chính xác và độ tin cậy của số liệu; (4) Tính bảo trì số liệu; (5) Khả năng tiếp cận số liệu.

Bên cạnh những công việc đã thực hiện và các kết quả đạt được trong năm 2016, Báo cáo của cơ quan điều phối quốc gia cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện GDDS như: (1) Số liệu thống kê một số chỉ tiêu về tiền tệ, tài khóa vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu, phân tổ hoặc tính kịp thời và định kỳ theo e-GDDS và SDDS; (2) Các bảng metadata được cập nhật hàng năm nhưng vẫn chưa đầy đủ các yếu tố theo cấu trúc DQAF; (3) Hoạt động chia sẻ, phổ biến, công khai thông tin một số lĩnh vực, nhất là thông tin tài chính, tiền tệ đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế bởi các quy định về bảo mật số liệu; (4) Chưa xây dựng, thử nghiệm được Trang số liệu quốc gia tóm tắt (NSDP); (5) Ít có sự làm việc trực tiếp giữa cơ quan điều phối và đầu mối thực hiện công tác GDDS của các Bộ, ngành (chủ yếu thông qua điện thoại, thư điện tử, văn bản).

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã có nhiều thảo luận, góp ý cho báo cáo của cơ quan điều phối quốc gia, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới các hạn chế, tồn tại, đề nghị chỉ ra các nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan trong việc thực hiện GDDS để từ đó đề xuất các giải pháp và kế hoạch thực hiện GDDS trong năm 2017 được tốt hơn. Ngoài ra, các đại biểu của các Bộ, ngành cũng chia sẻ các khó khăn gặp phải trong việc thực hiện công tác nói chung và trong việc phối phợp, chia sẻ thông tin thống kê với cơ quan điều phối quốc gia khi thực hiện GDDS và e-GDDS.

Kết luận Hội thảo, ông Phạm Quang Vinh đánh giá cao sự nỗ lực và phối hợp của cơ quan điều phối quốc gia và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện GDDS. Ông Vinh cũng đề nghị Điều phối viên quốc gia cũng như bộ phận đầu mối của cơ quan điều phối quốc gia (Vụ Thống kê Tổng hợp) cần đề xuất và tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành và các đơn vị trong Tổng cục Thống kê có liên quan nhằm làm rõ các nhiệm vụ của từng đơn vị, rà soát chi tiết các hạn chế, tồn tại và xác định nguyên nhân cụ thể của những tồn tại này để có thể khắc phục và giải quyết trong kế hoạch thực hiện tiếp theo. Đồng thời, Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật của IMF để thực hiện tốt hơn GDDS và e-GDDS cũng như chuẩn bị cho tham gia SDDS cho giai đoạn tiếp theo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về GDDS phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

NV.THUY & ĐB.HIEN