TCTK cho biết vai trò của IMF trong điều tra kinh tế khu vực chưa được quan sát? TCTK có đủ khả năng và trình độ để thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát không, đặc biệt thành tố kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức?

Câu hỏi: (Báo Dân trí) Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có đề nghị IMF tham gia điều tra kinh tế khu vực chưa được quan sát, Tổng cục Thống kê cho biết vai trò của IMF trong Điều tra này? Với lực lượng hiện có, Tổng cục Thống kê liệu có đủ khả năng và trình độ để thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát không, đặc biệt thành tố kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức? (Họp báo công bố Đề án khu vực kinh tế phi chính thức ngày 20/02/2019)

Trả lời:

(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)

Trước hết, tôi phải khẳng định lại Thủ tướng Chính phủ trao đổi với Trưởng đại diện IMF nhờ IMF là một tổ chức quốc tế để đánh giá độc lập kết quả tính toán của Tổng cục Thống kê chứ không phải là nhờ IMF giúp tính toán. Ngày 18 và 19 tháng 01 năm 2018, tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2018 của ngành Thống kê, Thủ tướng chỉ đạo TCTK phải đánh giá đầy đủ quy mô chỉ tiêu GDP. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2018, ngành Thống kê phối hợp với các bộ, ngành, dựa trên kết quả của Tổng điều tra kinh tế 2017 và Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản, kết quả chia sẻ thông tin các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Tổng cục Thuế, TCTK đã đánh giá lại quy mô chỉ tiêu GDP. Hay nói cách khác, TCTK đánh giá lại nhưng không tổ chức tổng điều tra để bổ sung. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế, các nước cũng định kỳ 5 năm tổ chức tổng điều tra, các năm không tổ chức tổng điều tra thì điều tra mẫu. Như chúng ta biết, điều tra mẫu chỉ thu thập thông tin ở mẫu, sau đó suy rộng cho toàn bộ nền kinh tế nên sẽ không thể cho kết quả đánh giá đầy đủ, xác thực như kết quả tổng điều tra.

Ví dụ, TCTK đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thu thập thông tin của các doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an trong Tổng điều tra kinh tế 2017. Qua kết quả tổng điều tra, TCTK có đánh giá chi tiết cùng với Tổng cục Thuế rà soát lại các danh mục của các doanh nghiệp. Trong danh mục doanh nghiệp Tổng cục Thống kê thu được có một số doanh nghiệp mà bên Tổng cục Thuế chưa có, ngược lại, cũng có rất nhiều doanh nghiệp mà bên Tổng cục Thuế có thông tin mà do nhiều lý do Tổng cục Thống kê không có được. Qua Tổng điều tra, chia sẻ dữ liệu hồ sơ hành chính bổ sung thêm thông tin cho ngành Thống kê. Chính vì vậy, đây chính là nội dung mà thành tố thứ (5) do hoạt động thu thập thông tin còn thiếu sẽ được khắc phục qua Tổng điều tra.

Trong năm 2018, Tổng cục Thống kê cũng đánh giá lại quy mô nền kinh tế, báo cáo Thủ tướng và trên cơ sở đó Thủ tướng chỉ đạo để đảm bảo tính độc lập khách quan và có sức thuyết phục. Thủ tướng đồng ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời tổ chức độc lập vào xem xét kết quả đánh giá chứ không phải giúp Tổng cục Thống kê tính toán về khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong thời gian tới, cụ thể TCTK đề xuất mời IMF – một tổ chức tài chính quốc tế rất giỏi trong việc đưa ra quyết định, đánh giá của họ đối với nền kinh tế sẽ làm căn cứ cho các tổ chức quốc tế như WB, ADB… cho các nước vay tín dụng là bao nhiêu. Vì vậy, TCTK nhờ IMF cử các đoàn chuyên gia kỹ thuật đến nghe Tổng cục Thống kê trình bày nguồn thông tin, cách đánh giá lại quy mô GDP để IMF cho ý kiến, trên cơ sở đó TCTK hoàn thiện bổ sung và sẽ công bố quy mô GDP chứ không phải IMF giúp TCTK phương pháp luận hay đánh giá khu vực kinh tế chưa được quan sát. TCTK khẳng định lại việc đánh giá lại quy mô GDP là hoạt động bình thường ở tất cả các cơ quan thống kê các nước trên thế giới chứ không phải riêng Thống kê Việt Nam.

Theo thông lệ quốc tế, đánh giá lại quy mô GDP trải qua 3 vòng. Vòng 1, ở các nước chỉ tiêu GDP có 3 con số (con số ước tính, sơ bộ, chính thức), ở mỗi thời điểm thu thập thông tin thì có 3 con số, sau khi thu thập thông tin đưa ra con số ước tính GDP, sau 1 quý ngành Thống kê có được thông tin của quý trước thì TCTK tính toán và đánh giá lại. Trong những năm gần đây, bước sang quý 2, TCTK đánh giá lại GDP quý 1. Vòng 2, sau năm kết thúc có được đầy đủ thông tin để đánh giá lại quy mô GDP và đưa ra GDP con số chính thức. Vòng 3, trên cơ sở kết quả Tổng điều tra cứ 5 năm/lần tùy từng nước có tiềm lực kinh tế thì sẽ tổ chức tổng điều tra 3năm/lần hoặc có những nước có hệ thống hạch toán, chế độ thông tin hồ sơ hành chính rất tốt thì không cần tổ chức tổng điều tra nhiều lần.

Trong năm 2018, TCTK đánh giá lại chỉ tiêu GDP là vòng thứ 3 theo đúng thông lệ quốc tế. Hiện nay, đã có kết quả đánh giá và đã báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng muốn mời 1 tổ chức độc lập, đánh giá khách quan sau đó cùng với TCTK sẽ công bố chỉ tiêu này.