TCTK đánh giá về tính khả thi và cho biết kinh nghiệm đo lường kết quả tính toán khu vực kinh tế chưa được quan sát của một số nước trên thế giới? Việc tính toán sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Câu hỏi: (TTXVN) Tổng cục Thống kê đánh giá như thế nào về tính khả thi của Đề án này và cho biết kinh nghiệm đo lường kết quả tính toán khu vực kinh tế chưa được quan sát của một số nước trên thế giới? Việc tính toán kinh tế khu vực chưa được quan sát sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì? (Họp báo công bố Đề án khu vực kinh tế phi chính thức ngày 20/02/2019)

Trả lời:

(Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia)

Về kinh nghiệm đo lường của các nước trên thế giới:

Canada ước lượng kinh tế khu vực chưa được quan sát bằng phương pháp sử dụng thông tin trên cơ sở chi tiêu của hộ gia đình và của Chính phủ về đầu tư xuất, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ.

Đức ước lượng bằng phương pháp sản xuất trên cơ sở số liệu về việc làm và thống kê về thu nhập, dữ liệu của các cuộc điều tra quy mô lớn và khảo sát thu, chi của hộ gia đình so sánh doanh thu với sản xuất và dữ liệu bảng cân đối liên ngành.

Italy cũng ước lượng bằng phương pháp sản xuất trên cơ sở sử dụng nguồn dữ liệu về đăng ký kinh doanh, báo cáo tài chính doanh nghiệp và các bảng hỏi đối với điều tra doanh nghiệp và hộ gia đình. Ở Italy, đóng góp của khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP khoảng 14,8%-16,7%.

Ba Lan ước lượng kinh tế khu vực chưa được quan sát đồng thời bằng 3 phương pháp: Sử dụng, sản xuất, thu nhập và trên cơ sở điều tra thị trường lao động, khảo sát người tiêu dùng, đặc biệt Balan mở rộng lĩnh vực ma túy, mại dâm và trộm cắp. Theo kết quả khảo sát năm 2002, mức độ đóng góp của khu vực này vào GDP khoảng 7,8%-15,7%.

Cơ quan Thống kê Anh ước lượng kinh tế khu vực chưa được quan sát bằng phương pháp sử dụng và sử dụng nguồn dữ liệu tiêu dùng của hộ gia đình, tích lũy tài sản.

Úc sử dụng nhiều nguồn thông tin để đo lường kinh tế khu vực chưa được quan sát, kết quả điều tra về thuế và dữ liệu hành chính, Thống kê Úc luôn so sánh số liệu của mình với số liệu các nước khác, sử dụng bảng cân đối liên ngành, năm 2001 khu vực này chiếm 1/3 GDP.

Về tính khả thi của Đề án:

Đề án này rất khó cả về lý luận và thực tiễn. Trong lý luận xác định phạm vi, ranh giới của các thành tố rất là khó và thực tiễn thu thập nguồn thông tin này là rất khó khăn. Cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương đồng hành với Tổng cục Thống kê để triển khai thực hiện đề án.

Trong quá trình xây dựng Đề án, có 16 Bộ, ngành đã đồng hành với TCTK và tiếp tục đồng hành thực hiện đề án này để xác định danh mục, phạm vi các thành tố để tìm cách thu thập thông tin báo cáo đầy đủ. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác chia sẻ hồ sơ hành chính, nhất là đối với Tổng cục Thuế. Ngoài ra môi trường pháp lý kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, nhiều bộ, ngành đã triển khai Đề án, như: Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thực hiện đề án hạn chế về chi tiêu tiền mặt, Tổng cục Thuế thực hiện đề án mở rộng cơ sở thuế và chống thất thu thuế… Nếu các đề án thực hiện đồng bộ sẽ hạn chế được khu vực kinh tế chưa được quan sát và đây cũng là yếu tố thuận lợi giúp Tổng cục Thống kê phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện thành công Đề án này.