Với những khó khăn mà đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư đang gây ra, kinh tế vĩ mô có vấn đề gì đáng lo ngại

Câu hỏi:  (PV Khánh An (Thực hiện) baodautu) Với những khó khăn mà đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư đang gây ra, kinh tế vĩ mô có vấn đề gì đáng lo ngại không, thưa ông? (Nguồn: https://baodautu.vn/de-phat-trien-kinh-te-phai-kiem-soat-duoc-dich-benh-d148306.html)

Trả lời:

Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô (Trường đại học Kinh tế Quốc dân)

Ngoài việc đứt gãy lưu thông, sản xuất hàng hóa do các hoạt động phòng chống dịch, theo tôi, kinh tế vĩ mô không phát sinh vấn đề mới, bên cạnh các vấn đề cố hữu. Thậm chí, so với một năm trước, tình hình thế giới đã thuận hơn khi các nền kinh tế đối tác đầu tư, đối tác thương mại của Việt Nam đã bắt đầu hồi phục. Tôi tin là tình hình sẽ còn tốt hơn với chiến lược tiêm chủng rộng rãi.

Tuy nhiên, trong nước thì khó khăn hơn, rủi ro hơn so với một năm trước. Theo tôi, lúc này, Chính phủ cần lưu tâm các chính sách điều hành để kiểm soát tốt lạm phát. Chi phí sản xuất đang tăng mạnh. Tính đến tháng 6/2021, giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 38,25% so với cách đây một năm. Trong đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 68,58%, giá nguyên liệu nông nghiệp thô tăng 28,44%, giá nhiên liệu tăng 108,28%…

Trong nước, giá thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng nhanh. Trong quý II/2021, trung bình giá thuê đất tại khu công nghiệp thuộc các tỉnh phía Bắc là 107 USD/m2, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái; giá tại các tỉnh phía Nam là 111 USD/m2, tăng 8,2%. Việc tăng giá này sẽ dần được chuyển vào giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm, tạo áp lực cho lạm phát.

Bên cạnh đó, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống bệnh dịch, cũng như nhu cầu hồi phục khi dịch bệnh được khống chế sẽ tác động đến lạm phát. Khống chế lạm phát ở mức thấp để có dư địa cho lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.

Vì vậy, dù nợ xấu tiềm ẩn rất có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng, nhưng các biện pháp kiểm soát rủi ro cần ở mức vừa phải. Đó là thách thức của Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ.

Với chính sách tài khóa, tôi đề nghị thực hiện các gói tài khóa tập trung vào cung cấp trang thiết bị y tế, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động mất việc, hỗ trợ kế sinh nhai cho người đân khu vực phi chính thức đang gặp khó khăn. Có thể phải chấp nhận thất thoát một chút do có thể có những người ở ranh giới điều kiện được hưởng hỗ trợ, nhưng miễn là không xảy ra tham nhũng, sai phạm ở tổ chức thực thi, thì cũng nên làm nhanh, để kịp hỗ trợ ngay người dân đang rất khó khăn.

Các dự án đầu công trong các dự án hạ tầng cấp quốc gia cũng cần có giải pháp đẩy nhanh.