4 lý do để Quốc hội lập Cơ quan Thống kê quốc gia
Quan điểm khá chụm ở đa số ý kiến là cơ quan thống kê Trung ương không nên trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan thống kê Trung ương cần tách khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nâng địa vị pháp lý của cơ quan này để đảm bảo số liệu thống kê độc lập khách quan.
“Tôi nhất trí với ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Cụ thể nâng Tổng cục Thống kê thành Cơ quan Thống kê Quốc gia Việt Nam do Quốc hội thành lập, hoạt động theo luật và chỉ tuân theo pháp luật”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hà Huy Thông phát biểu, đồng thời nêu bốn lý do cụ thể.
Thứ nhất, việc làm trên là góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dự kiến 3 năm nữa đến năm 2018 Việt Nam sẽ có quy chế kinh tế thị trường, một nền kinh tế thị trường đòi hỏi có một số thiết chế độc lập để hỗ trợ hạn chế can thiệp, bóp méo trái quy luật thị trường. Khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã có đề nghị thành lập Cơ quan Thống kê Quốc gia như Kiểm toán Nhà nước.
Thứ hai, thực hiện mục tiêu cung cấp thống kê thông tin chính xác khách quan, tạo sự tin cậy với trong nước và quốc tế. Ông Thông trích điều 15 của mẫu thống kê của các nước chuyển đổi, chuyển sang nền kinh tế thị trường, rằng “cơ quan thống kê quốc gia không phải trông chờ hay nhận chỉ thị từ Chính phủ hay cơ quan nhà nước khác”.
Thứ ba, những đối tượng và nội dung thống kê, luật pháp, tư pháp, kinh tế, xã hội, công an, con người, môi trường… liên quan đến nhiều Bộ, ngành có thẩm quyền cao hơn Tổng cục Thống kê trực thuộc một Bộ.
Lý do thứ tư, theo đại biểu Thông, Cơ quan Thống kê do Quốc hội thành lập phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước đã thành lập Cơ quan Thống kê với viết tắt tiếng Anh khá nổi tiếng NSO hay NPS.
Cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp nổ ra từ năm 2009 có nguyên nhân nguồn gốc từ công tác thống kê về GDP, thâm hụt ngân sách, nợ công, tính cạnh tranh của nền kinh tế… tính không chính xác từ năm 1999, con số thống kê của nhiều nước bị coi là chính trị hóa vì mục đích thành tích hay nhiều động cơ khác, ông Thông nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng nói rõ, để khắc phục, nhiều nước trong đó có Hy lạp đã tổ chức lại cơ quan thống kê thành cơ quan thống kê độc lập. Cơ quan này có chức năng chính là cung cấp thống kê chính thức, giám sát thống kê ngoài nhà nước, hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng thống kê. Đồng thời cũng có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và Chính phủ về số liệu và phương pháp thống kê.
Còn Cơ quan Thống kê địa phương trực thuộc Cơ quan Thống kê Quốc gia về chuyên môn nhưng chịu trách nhiệm giải trình trước hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân địa phương cùng cấp, ông Thông nói.
“Tôi cũng nhất trí với ý kiến của đại biểu Hà Huy Thông đã phân tích, tôi đề nghị nên nghiên cứu để thống kê như kiểm toán”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên phát biểu.
Liên quan đến những nội dung khác, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Hà Sỹ Đồng băn khoăn khi dự thảo quy định trong trường hợp Bộ ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì Cơ quan Thống kê Trung ương tự quyết định và tự chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Bởi quy định này có thể sẽ nảy sinh trường hợp các Bộ ngành do không có cơ chế trách nhiệm, số liệu thống kê khi gửi các Cơ quan Thống kê Trung ương dù có sai lệch thì Cơ quan Thống kê Trung ương chịu trách nhiệm cuối cùng và tự quyết định nên có thể làm chiếu lệ và không chính xác trong các số liệu thống kê gửi cho Cơ quan Thống kê Trung ương.
Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các Bộ ngành nếu như số liệu thống kê gửi cho Cơ quan Thống kê Trung ương có sự sai lệch, không chính xác ở bất kỳ khâu nào.
Đoàn Dũng
Nguồn: VnEconomy