Xây dựng báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia chuyên sâu giữa Thái Lan và Việt Nam

Nhằm tìm hiểu kinh nghiệm của Thái Lan trong việc thực hiện các nghiên cứu NTA và các kết quả nghiên cứu NTA đã đóng góp như thế nào đối với luật pháp và chính sách về già hóa dân số ở Thái Lan, chiều ngày 31/5/2024 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Họp trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm xây dựng báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia chuyên sâu (NTA) giữa Thái Lan và Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu trực tiếp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các vụ liên quan của cơ quan TCTK. Tại điểm cầu trực tuyến có bà Worawan Plikhamin, Phó Tổng thư ký hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan; Bà Wassana Im-em, Chuyên gia kỹ thuật về Dân số và Phát triển, đại diện UNFPA khu vực; Ông Siriluck Chienwong, Trưởng văn phòng UNFPA tại Thái Lan; Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến cho biết, TCTK Việt Nam phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã thực hiện nghiên cứu và công bố báo cáo về “Tài khoản chuyển nhượng quốc gia” lần đầu vào tháng 12 năm 2023. Báo cáo lần đầu đã áp dụng khung lý thuyết chung về phương pháp luận nghiên cứu tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA), đồng thời cũng đưa ra được một số kết luận rất có ý nghĩa đối với bối cảnh phát triển kinh tế -xã hội tại Việt Nam. Với những kết quả đó, nghiên cứu cũng cho thấy còn không gian rất lớn để có thể nghiên cứu sâu hơn, cung cấp những kết quả ý nghĩa hơn và qua đó đưa ra những gợi ý chính sách tốt hơn nữa đối với các nhà lập chính sách.

Nghiên cứu chuyên sâu về tài khoản chuyển nhượng quốc gia có vai trò rất quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các cơ chế và quy trình hiện tại, từ đó đề xuất các biện pháp cải tiến và hoàn thiện. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sẽ cung cấp những dữ liệu chính xác và kịp thời, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định đúng đắn và hợp lý.

Theo Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến, Thái Lan đã có kinh nghiệm sớm hơn Việt Nam trong việc nghiên cứu và xây dựng các ấn phẩm liên quan tới kết quả của “Tài khoản chuyển nhượng quốc gia”. Từ đó cung cấp rất nhiều các bằng chứng cũng như gợi ý cho các nhà lập chính sách.

Do đó, với tinh thần cầu thị và thông qua sự giúp đỡ của Quỹ Dân số Liên hợp  (UNFPA), TCTK Việt Nam tổ chức cuộc họp và mời các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu từ Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm trong việc nghiên cứu chuyên sâu và biên soạn các ấn phẩm về tài khoản chuyển nhượng quốc gia. Qua cuộc họp này, Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến kỳ vọng TCTK Việt Nam sẽ học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của Thái Lan trong việc nghiên cứu và biên soạn ấn phẩm về tài khoản chuyển nhượng quốc gia.

Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đến từ Thái Lan và UNFPA đã chia sẻ về tầm quan trọng của NTA cũng như những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện NTA để hỗ trợ cho việc xây dựng các chính sách về kinh tế – xã hội. Đồng thời, khẩng định trong tương lại Thái lan và Việt Nam có thể cùng nhau xây dựng các kế hoạch hợp tác. Thái Lan và Việt Nam có tương đồng giống nhau, sự hợp tác là chìa khóa mở ra nhiều cách tiếp cận mới. Thái Lan không chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật còn có những hợp tác hỗ trợ khác trong thực hiện NTA.

Họp trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm xây dựng báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia chuyên sâu (NTA) giữa Thái Lan và Việt Nam 2

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Bà Phạm Lan, cán bộ chương trình UNFPA Việt Nam trình bày báo cáo Phân tích tài khoản chuyển nhượng quốc gia (NTA) tại Việt Nam. Theo báo cáo, phân tích NTA trên thế giới bổ sung một khía cạnh quan trọng về tác động của thay đổi trong cơ cấu dân số đối với nền kinh tế. Đến nay tài khoản chuyển nhượng quốc gia đã được áp dụng tại trên 70 quốc gia trên thế giới. NTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: Phân tích và trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm; Làm cơ sở cải thiện các chính sách xã hội (về y tế, giáo dục, an sinh xã hội…) để thích ứng với những biến đổi cơ cấu tuổi dân số. Tại Việt Nam, dân số đang trải qua những thay đổi sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với sự phát triển; Hầu hết các số liệu thống kê tổng hợp về kinh tế hiện nay, đặc biệt các số liệu trong lĩnh vực tài khoản quốc gia thường không tính đến các vấn đề dân số cũng như những thay đổi về dân số; Việt Nam đang trong quá trình cải cách pháp luật chính sách sâu rộng nhằm hỗ trợ các nhóm yếu thế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs.

Báo cáo cũng cho thấy tình hình thực hiện NTA tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, phân tích NTA đầu tiên được thực hiện vào năm 2014 do Viện Quản lý Chính sách thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA. Phân tích này kết quả chưa được công bố rộng rãi và là phân tích mang tính thử nghiệm. Năm 2023, phân tích NTA lần 2 được TCTK thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA/giáo sư Lee thuộc Trung tâm Kinh tế và Nhân khẩu học về Lão hóa, Đại học California tại Berkeley và hỗ trợ tài chính của KOSTAT. Phân tích này tập trung vào một số vấn đề nổi cộm và đã tạo được tiếng vang đối với các nhà hoạch định chính sách.

Có thể thấy, các kết quả ban đầu trong thực hiện NTA tại Việt Nam như: Cam kết mạnh mẽ của TCTK trong việc phân tích và thúc đẩy việc sử dụng số liệu từ phân tích; Năng lực phân tích NTA được cải thiện; Tạo sự quan tâm trong việc sử dụng kết quả NTA.

Một số bài học kinh nghiệm từ thực hiện NTA như:  Cần có sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia quốc tế thông qua văn phòng UNFPA Việt Nam; Trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có điều kiện tương tự (ví dụ Thái Lan) sẽ giúp củng cố kinh nghiệm trong việc triển khai phân tích NTA, cũng như góp phần vào cải cách pháp luật chính sách giải quyết các vấn đề nổi cộm từ biến đổi dân số (như vấn đề già hóa dân số); Có sự tham vấn rộng rãi ngay trong khâu thiết kế chứ không đợi đến khi báo cáo được xây dựng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dùng tin sau này; Cần tiến tới lồng ghép các kết quả chính vào niên giám thống kê hàng năm làm cơ sở xây dựng chính sách.

Về kế hoạch thực hiện NTA tiếp theo như: Thực hiện phân tích NTA chuyên sâu, phân tích tác động của cấu trúc dân số theo thành thị – nông thôn, theo giới tính đến nền kinh tế Việt Nam; Học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan (online onffine); Tuyển chuyên gia quốc tế để hỗ trợ tập huấn và tư vấn trong suốt quá trình phân tích viết báo cáo; Hội nghị công bố kết quả NTA; Lồng ghép các kết quả NTA vào báo cáo của các cơ quan Liên Hợp Quốc gửi ban soạn thảo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2026-2030.

Bà Wassana Im-em, chuyên gia kỹ thuật về dân số và phát triển, văn phòng UNFPA khu vực, chia sẻ quan điểm khu vực về tầm quan trọng của Tài khoản chuyển giao quốc gia trong bối cảnh thay đổi nhân sinh học – mức sinh thấp và già hóa dân số, các điển hình nghiên cứu.

Cuộc họp cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận đặt câu hỏi về những khó khăn vướng mắc gặp phải trong triển khai thực hiện NTA và hướng giải quyết vấn đề đơn cử như vướng mắc trong việc phân tổ hay kinh nghiệm sử dụng NTA trong xây dựng chính sách liên quan đến nghỉ hưu cho người cao tuổi…

Kết thúc cuộc họp, bà Duangkamol Ponchamni, Trưởng đại diện UNFPA tại Thái Lan cho biết, thông qua các câu hỏi trong trao đổi tại cuộc họp giữa hai bên cho thấy có rất nhiều nội dung hai bên cùng quan tâm và để có những phiên trao đổi sâu hơn và triển khai NTA thời gian tới, hai bên cần xây dựng các cơ chế trao đổi với các chuyên gia.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cảm ơn việc chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan về thực hiện tính toán  NTA và sử dụng NTA để hỗ trợ cho việc xây dựng các chính sách về kinh tế – xã hội; đồng thời bày tỏ mong muốn Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cho Việt Nam trong việc tính toán chuyên sâu về NTA trong tương lai./.