Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Như vậy, áp lực để đạt mục tiêu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực là rất lớn? (Nguồn: https://baodautu.vn/ap-luc-lon-nhat-la-cung-cap-so-lieu-thong-ke-cho-xa-hoi-d124384.html)
Trả lời:
Ông Nguyễn Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Khoa học Thống kê, TCTK
Áp lực lớn nhất của ngành thống kê hiện nay không phải là cung cấp số liệu, dữ liệu thống kê khách quan, trung thực, kịp thời cho các cơ quan nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đến các địa phương, mà là cung cấp số liệu, dữ liệu đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội ngày càng cao. Người sử dụng thông tin thống kê bây giờ có đòi hỏi rất cao, không chỉ tiếp nhận thông tin, mà người sử dụng tin, đặc biệt là nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp còn đòi hỏi phải minh bạch hóa dữ liệu, quy trình sản xuất thông tin.
Hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh phát triển rất mạnh mẽ đang làm thay đổi rất nhiều hoạt động truyền thống. Việc này cũng gây áp lực rất lớn cho ngành thống kê. Ví dụ, trước đây, người dân muốn mua hàng hóa thì ra chợ, cửa hàng tạp hóa, thậm chí mua ở vỉa hè hoặc đến siêu thị, trung tâm thương mại; muốn khám chữa bệnh thì đến cơ sở khám chữa bệnh; muốn học tập, đào tạo thì đến cơ sở giáo dục, đào tạo, nhưng do sự phát triển của công nghệ thông tin, mọi hoạt động kể trên đều có thể thực hiện qua mạng Internet. Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, thậm chí kể cả họp hành, hội thảo, toạ đàm của các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức cũng được thực hiện qua mạng Internet. Trong tình hình như vậy, ngành thống kê phải sản xuất thông tin về các hoạt động kinh tế thế nào để đưa ra con số chính xác là áp lực rất lớn.
Sau khi Chiến lược Phát triển thống kê 2011 – 2020 kết thúc, dự kiến vào tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chiến lược mới. Thưa ông, làm gì để lĩnh vực thống kê đáp ứng được tình hình mới?
Rất may là thống kê nhà nước đang sở hữu kho dữ liệu thống kê ngày càng nhiều, phong phú và đa dạng; hạ tầng cho hoạt động thống kê được bảo đảm. Đặc biệt, ngành thống kê nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ.
Chưa bao giờ, chỉ trong một nhiệm kỳ, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đến dự hội nghị của ngành thống kê nhiều như nhiệm kỳ này. Đến dự hội nghị của ngành, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đã bị bỏ lỡ cơ hội.
Ví dụ, năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì nghiên cứu Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, trong đó có kinh tế phi chính thức, nhưng phải đến năm 2019, Thủ tướng mới yêu cầu phải thực hiện đề án này. Đầu năm 2020, dự Hội nghị Tổng kết ngành thống kê, Thủ tướng giao nhiệm vụ thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế là “nhiệm vụ đặc biệt” của ngành thống kê.
Nếu việc chỉ đạo này được thực hiện sớm hơn 5 – 10 năm, thì bây giờ, Việt Nam đã có được bức tranh kinh tế hoàn chỉnh hơn để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2020 và Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2030.
Để triển khai Chiến lược Phát triển thống kê giai đoạn tới, có rất nhiều việc phải làm. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng chiến lược này, trong đó, chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục ngay như thông tin thống kê được công bố chưa tương xứng với nguồn dữ liệu sẵn có; chuẩn thống kê chưa được ban hành, áp dụng thống nhất; hệ thống hóa, kế thừa, đổi mới, phát triển dữ liệu thống kê của các bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức.