Phát biểu tại Quốc hội sáng 4/11, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết số liệu thống kê của Việt Nam chưa chính xác được, nhưng cũng không quá đến nỗi bóp méo.
Với tư cách Tư lệnh ngành Kế hoạch – Đầu tư, Bộ trưởng Vinh khẳng định, không có yêu cầu nào để làm thống kê khác đi.
Ông phân trần với Quốc hội những cái khó của ngành thống kê đến từ thể chế. Đó là cứ phải có số ước tính, sơ bộ, nên không chính xác, phải điều chỉnh.
Chỉ tiêu công bố định kỳ là không dễ dàng. Những người làm thống kê rất trăn trở bởi các số liệu này làm xã hội và dư luận hiểu sai về thống kê.
Vì đưa con số mang tính chất điều hành hàng tháng, hàng quý nên rất khó. Tháng nào cũng phải công bố con số, về tăng trưởng GDP, CPI… đều là ước tính.
“Anh em băn khoăn đưa con số không sai nhiều lắm nhưng vì là ước tính nên có lúc này, lúc khác, vì thế bị nghi ngờ”, ông nói.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Theo ông Vinh, hiện Việt Nam có 3 hệ thống số liệu: số liệu ước tính, số liệu thống kê sơ bộ và số liệu chính thức. Nếu theo thông lệ quốc tế, tháng 6 năm sau công bố một lần thì chẳng ai nghi ngờ. Ngay cả số liệu công bố niêm giám thống kê không phải 185 chỉ tiêu chính thức mà vẫn có chỉ tiêu tạm tính.
“Các nước không áp dụng cách điều hành như Việt Nam mà họ có cơ quan dự báo. Các dự báo này điều chỉnh liên tục, như tăng trưởng kinh tế thế giới của World Bank điều chỉnh khi 3,5, lúc xuống 3,3, khi lên 3,7. Ở ta, một khi dự báo đã đưa ra là cứng, đưa trước cả năm, không có thay đổi”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Lấy chỉ số giá tiêu dùng CPI làm ví dụ, ông Vinh phân tích, chỉ số này không phụ thuộc vào Việt Nam mà chịu tác động của nhiều yếu tố khó lường của thế giới như giá dầu.
“Chúng ta ngồi đây tính xem kết thúc năm 2016 chỉ số CPI là bao nhiêu là không có căn cứ. Chúng ta cứ đưa ra, Chính phủ bàn đi bàn lại, cứ đưa vào, thì làm sao mà chính xác được”, Tư lệnh ngành Kế hoạch – Đầu tư nhấn mạnh.
Không một mình một chợ
Bộ trưởng Vinh chỉ đạo các chỉ số quốc gia của Việt Nam phải phù hợp thông lệ quốc tế, không thể phác thảo, áng chừng.
Chúng ta không thể một mình một chợ, không biết mang ra so sánh với ai. Các chỉ số, theo Bộ trưởng Vinh, phải giúp Việt Nam nhìn rõ, chúng ta đứng ở đâu trong khu vực và quốc tế.
Phải đặt chúng ta trong so sánh tổng thể khu vực, thế giới, không thể chỉ so với chính chúng ta 40 năm trước.
Để trấn an đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Vinh cho biết, Tổng cục Thống kê là đơn vị hội nhập rất sớm, áp dụng các chuẩn mực thế giới, với các phương pháp tính toán được công nhận, có thể so sánh với khu vực và thế giới.
Hiện nay, hệ thống chỉ tiêu của Việt Nam rất khác quốc tế, như chỉ tiêu số hộ có Tivi… thế giới không có. Tới đây, Bộ sẽ tiếp thu, rà soát, không bỏ sót các chỉ tiêu cần đánh giá nhưng phân loại giữa hệ thống chỉ tiêu quốc gia và hệ thống của các Bộ ngành.
“Khi đưa ra chỉ tiêu thì phải có khả năng thống kê bằng phương pháp khoa học, không thể đưa chỉ tiêu theo kiểu ngồi phác thảo, chạy dài theo. Việc áng chừng rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Vinh lưu ý.
Không bị áp lực gì nhiều về tăng giảm số liệu
Khẳng định ở Việt Nam không tổ chức nào có số liệu tốt hơn Tổng cục Thống kê, ông Vinh dẫn chứng về trường hợp IMF trước đây có bộ số liệu khác nhưng khi làm việc lại với Tổng cục Thống kê thì thấy thống kê của Tổng cục là chuẩn xác nhất.
“Đề nghị các đại biểu Quốc hội không cần nghi ngờ độ chính xác của công tác thống kê. Vấn đề là thông tin đầu vào có chính xác không thôi”, ông Vinh nói.
Cơ quan thống kê, theo Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, “không bị áp lực nhiều về tăng hay giảm số liệu. Cán bộ thống kê không có lợi ích gì trong việc đó cả”.
“Không phải vì thống kê của đơn vị chuyên môn mà chính xác hơn. Ngược lại, là cơ quan làm ra thành tích đó, các chỉ số thường không khách quan, đẹp hơn vì liên quan đến lợi ích”, Bộ trưởng Vinh nói.
Ông thừa nhận mâu thuẫn giữa Tổng cục và Bộ ngành là thường xuyên, khá nặng nề. Sau khi đưa ra nguyên nhân tồn tại độ vênh giữa các chỉ số của Tổng cục Thống kê với các Bộ ngành, ông Vinh nói, vấn đề không phải thống kê sai, mà là sử dụng như thế nào.
Rồi ông lưu ý không nên để Bộ, ngành tự tung tự tác công bố số liệu của mình; đồng thời trấn an đại biểu trước mối lo về sự độc lập của cơ quan thống kê khi trực thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
“Độc lập hay không độc lập là do cách làm, không phải do Tổng cục trực thuộc Bộ nào. Tôi cam kết các chỉ số thống kê sẽ độc lập, chính xác, đáp ứng được yêu cầu dự báo, phân tích đánh giá và tính toán chính sách”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Thái học (sưu tầm)
Nguồn: http://news.zing.vn/Bo-truong-Ke-hoach-Khong-bop-meo-so-lieu-post596950.html