Bài viết hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Tư, nhiệm kỳ 2024-2029 Hội Thống kê Việt Nam.
Bối cảnh ra đời của Hội Thống kê Việt Nam: Mặt dù Nha Thống kê (nay là Tổng cục Thống kê) được thành lập từ năm 1946[1], nhưng đến trước năm 2007 vẫn chưa có tổ chức xã hội-nghề nghiệp (Hội, Hiệp hội) nào ra đời để tập hợp đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học thống kê đã nghỉ hưu và đang làm công tác thống kê ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trở thành hội viên của hội, để giúp các hội viên tiếp tục cống hiến công sức và trí tuệ của mình cho sự phát triển khoa học và kỹ thuật nước nhà nói chung, khoa học thống kê nói riêng. Trong khi đó, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật ở nước ta đã hoạt động theo mô hình có ít nhất một tổ chức xã hội-nghề nghiệp tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiệp hội, Kế toán, kiểm toán Việt Nam thuộc lĩnh vực kế toán, kiểm toán là một minh chứng cho nhận định nói trên.
Hiệp hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), (trước đây là Hội Kế toán Việt Nam) là tổ chức xã hội-nghề nghiệp của những người làm nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Hiệp hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam được thành lập tại Quyết định số 12/TTg ngày 10/01/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước của Hiệp hội. Hiệp hội Kế toán, kiểm toán là thành viên chính thức của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Liên đoàn Kế toán các nước Đông nam Á (AFA). Nhiệm vụ chủ yếu của Hiệp hội Kế toán, kiểm toán là tuyền truyền phổ biến pháp luật, tư vấn phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu khoa học về kế toán, kiểm toán. Bên cạnh những nhiệm vụ chủ yếu nói trên, Hiệp hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam còn được Bộ Tài chính ủy quyền tổ chức đào tạo và cấp chính chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán; tham gia ban hành các văn bản về quản lý dịch vụ kế toán, kiểm toán; kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Trong lĩnh vực thống kê, nhiều nước trong khu vực và thế giới, bên cạnh cơ quan thống kê quốc gia đều có hội thống kê là tổ chức nghề nghiệp của những chuyên gia, nhà khoa học thống kê, như Hội Thống kê Mỹ (ASA), Hiệp hội Thống kê Úc (SSA), Hiệp hội Thống kê Canada (SSC), Hội Thống Anh (RSS), Hội Thống kê Ấn Độ (ISA), Hội Thống kê Philipine (PSA), Hội Thống kê Trung Quốc (CSA), Hội Thống kê Nam Mỹ (SASS), Hội Thống kê Hàn Quốc (SKSA), Hiệp hội Thống kê chính thức quốc tế (IAOS)…
Về phương diện pháp lý, Nghị định số 258/TTg ngày 14 tháng 6 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ (này là Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010) quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (NĐ45). Ngoài những quy định chung, NĐ45 quy định: điều kiện, thủ tục thành lập hội (Chương II); hội viên (Chương iii); tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của hội (Chương iv); chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể và đổi tên hội (Chương v); một số quy định áp dụng đối với các hội có tính chất đặc thù (Chương vi); quản lý nhà nước đối với hội (Chương vii). Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện các điều, khoản của NĐ45.
Như vậy, căn cứ pháp lý cho việc thành lập hội đã có từ năm 1957; nhiều hội trong các ngành, lĩnh kinh tế-kỹ thuật ở nước ta đã được hình thành và phát triển; nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã thành lập Hội Thống kê, cùng với cơ quan thống kê quốc gia đóng góp vào sự phát triển chung của khoa học thống kê các quốc gia và quốc tế.
Đứng trước bối cảnh nói trên, năm 2006, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã thành lập Ban Sáng lập, Ban Vận động thành lập Hội Thống kê Việt Nam[2]. Ngày 04/5/2006, Bộ trưởng, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 704/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Thống kê Việt Nam. Ngày 14/11/2006, Hội Thống kê Việt Nam tiến hành Đại hội nhiệm kỳ lần thứ I (2007-2011). Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội Thống kê Việt Nam và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 1500/QĐ-BNV ngày 01/12/2006. Điều lệ Hội Thống kê Việt Nam gồm 7 chương và 30 điều. Theo đó, Điều lệ quy định rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội Thống kê Việt Nam.
Tôn chỉ, mục đích của Hội Thống kê Việt Nam: Hội Thống kê Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thống kê và các lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động thống kê tự nguyện thành lập, nhằm tập hợp, đoàn kết những hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; góp phần xây dựng ngành Thống kê Việt Nam ngày càng phát triển và minh bạch
[1] Ngày 06 tháng 5 năm 1946, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam
[2] Ban Sáng lập Việt Nam gồm 04 thành viên: Ts Lê Mạnh Hùng (Trưởng ban), Ts Nguyễn Văn Tiến, Ts Trần Kim Đồng, CN Cao Văn Xuyên. Ban Vận động thành lập Hội Thống kê Việt Nam, gồm 23 thành viên (QĐ số 954/QĐ-TCTK ngày 22/4/2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hội Thống kê Việt Nam).