Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn/Báo đầu tưu) Các định chế tài chính không có cái nhìn tích cực. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam chỉ có 2,7%. Còn WB đưa ra dự báo lạc quan hơn, nhưng cũng cho rằng, năm nay, Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,8%? Theo ông nghiêng về dự báo của tổ chức nào hơn?(Nguồn: https://baodautu.vn/gdp-nam-2020-co-the-tang-khoang-41-d125293.html)
Trả lời:
ThS. Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê
Các định chế tài chính dự báo nền kinh tế thế giới năm nay rất bi quan. Theo WB, kinh tế thế giới năm 2020 rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930 khi giảm tới 5,2%, trong đó tăng trưởng của Hoa Kỳ âm 6,1%; khu vực đồng euro âm 9,1%; Nhật Bản âm 6,1%; Malaysia âm 3,1%; Thái Lan âm 5%; Philippines 1,9%; Trung Quốc gần rơi vào tình trạng suy thoái với tăng trưởng chỉ đạt 1%, mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.
Trong khi đó, WB vẫn dự báo Việt Nam tăng trưởng 2,8%, tương đương với dự báo của IMF là 2,7%. Có thể nói, các định chế tài chính quốc tế đều đưa ra những nhận định rất tích cực và lạc quan, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại sau khi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội (kể từ ngày 23/4/2020).
Mỗi định chế tài chính đứng trên các góc độ khác nhau, nên có cái nhìn khác nhau, đưa ra nhận định, dự báo khác nhau, thậm chí khác xa nhau, cũng là điều bình thường. Các dự báo, nhận định này chỉ mang tính chất tham khảo để Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hoạch định, tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra dự báo và các kịch bản phù hợp và sát với tình hình kinh tế – xã hội.
Dựa trên tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng là tăng 4,4-5,2% và 3,6-4,4%. Từ 2 kịch bản này, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay là khoảng 4,5% và nếu tình hình thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%. Vì vậy, theo tôi, dự báo của ADB là tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt 4,1% và nhiều khả năng sẽ cao hơn, sát thực tế hơn.
Còn để đạt được tốc độ tăng trưởng 4,1%, thì ngoài những điều tôi đã nói ở trên, còn ít nhất 3 động lực nữa là đầu tư công trong 6 tháng đầu năm mới giải ngân được 1/3 nguồn vốn; dư nợ tín dụng mới tăng 2,45%, trong khi mục tiêu là tăng 12-14%; khi chấm dứt giãn cách xã hội, khu vực dịch vụ (đóng góp trên 40% GDP), đặc biệt là lĩnh vực du lịch nội địa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III.