Các giải Nobel 2014

Giải Nobel là tập hợp các giải thưởng quốc tế được tổ chức trao thưởng thường niên, kể từ năm 1901 cho những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình. Kết quả đoạt giải được công bố vào tháng 10 hàng năm và trao giải ngày 10/12.

1. Giải Nobel Y học 2014

Ba nhà khoa học là John O’Keefe, May-Britt Moser và Edvard Moser đã trở thành những chủ nhân của giải thưởng Nobel Y học năm 2014 vì việc khám phá ra các tế bào hợp thành hệ thống định vị (GPS) bên trong bộ não.

Cặp vợ chồng May-Britt và Edvard Moser

Đáng chú ý, May-Britt (sinh năm 1962) và Edvard Moser (sinh năm 1963) là vợ chồng, và họ trở thành cặp vợ chồng thứ 5 từng thắng giải Nobel.

Theo đó, từ năm 2005, cặp vợ chồng thuộc Trường Đại học Khoa học – Công nghệ Na Uy đã khám phá ra thành phần then chốt còn lại của hệ thống GPS trong bộ não: “các tế bào thần kinh lưới”, cũng như cách những tế bào này với các tế bào địa điểm giúp chúng ta xác định vị trí và tìm hướng như thế nào.

Trong khi đó, John O’Keefe (sinh năm 1939), người Mỹ, hiện đang công tác tại trường University College London (Vương quốc Anh), đã phát hiện ra thành phần đầu tiên của hệ thống định vị này: một loại tế bào thần kinh có tên gọi “tế bào địa điểm” ở vùng đồi hải mã trong bộ não.

Thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel nêu rõ, khám phá của John O’Keefe, May-Britt Moser và Edvard Moser đã giúp giải đáp một vấn đề từng làm đau đầu các nhà triết học và khoa học suốt nhiều thế kỷ, về việc bộ não đã tạo ra một bản đồ không gian bao quanh chúng ta như thế nào và chúng ta có thể điều hướng trong một môi trường phức tạp ra sao.

Theo thông lệ, ba nhà khoa học sẽ nhận được giải thưởng trị giá 1,1 triệu USD từ Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển.

2. Giải Nobel Vật lý 2014

Giải Nobel Vật lý năm nay đã về tay bộ ba người gốc Nhật, lần lượt là Isamu Akasaki (Nhật, 85 tuổi), Giáo sư danh dự Đại học Meijo; Hiroshi Amano (Nhật, 54 tuổi), Giáo sư Đại học Nagoya và nhà khoa học Shuji Nakamura (Mỹ, 60 tuổi), sinh ra tại Nhật, đang công tác ở Đại học California tại Santa Barbara (Mỹ).

Theo thông báo từ Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các chuyên gia trên được vinh danh nhờ vào công trình phát minh đi ốt phát quang (tên viết tắt thông dụng là LED), một nguồn ánh sáng đóng vai trò vô cùng phổ biến trong mọi hoạt động của đời sống, từ thắp sáng phòng ốc đến đèn nháy ở điện thoại thông minh. Ủy ban Nobel đánh giá các chủ nhân mới của giải Nobel Vật lý đã kích hoạt một sự thay đổi toàn diện trong lĩnh vực công nghệ phát sáng khi tạo ra ánh sáng xanh lam từ các chất bán dẫn vào thập niên 1990, một điều mà giới khoa học phải chật vật nghiên cứu trong khoảng 30 năm. Họ đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn 1,5 tỉ người trên toàn thế giới, ở những nơi mạng lưới điện vẫn chưa phủ tới.

Đi ốt đỏ và xanh lá cây có mặt từ nhiều năm trước, nhưng phải chờ đến công trình của bộ ba chuyên gia trên, người ta mới có thể kết hợp để tạo nên nguồn sáng trắng hết sức hữu ích. Đèn LED có tuổi thọ lâu hơn và tiết kiệm năng lượng hơn bóng đèn bình thường và đèn huỳnh quang. Theo thống kê, đến 1/4 sản lượng tiêu thụ điện trên toàn thế giới được sử dụng cho các mục tiêu thắp sáng, do vậy LED xanh lam có đóng góp vô cùng quan trọng trong nỗ lực tiết kiệm các nguồn tài nguyên của trái đất.

3. Giải Nobel Hóa học 2014

Hai nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Đức đã trở thành đồng chủ nhân của giải thưởng Nobel Hóa học 2014, vì có công mở ra một cánh cửa vào “thế giới nano” thông qua việc phát triển kỹ thuật kính hiển vi phát huỳnh quang siêu phân giải.

Giải thưởng Nobel Hóa học năm nay cho Eric Betzig thuộc Viện Y học Howard Hughes (Mỹ), Stefan W. Hell đến từ Viện Hóa lý sinh Max Planck và Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức và William E. Moerner thuộc Đại học Stanford (Mỹ) (từ trái sang)

Trước đây, nhà vật lý người Đức Ernst Abbe vẫn cho rằng kính hiển vi quang học không thể nào quan sát được hình dạng của virus, protein và các phân tử nhỏ. Dù vậy, ba nhà khoa học nêu trên đã chứng minh ngược lại.

Nhờ các công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học nêu trên, kính hiển vi đã có thể quan sát được thế giới nano bởi đã vượt qua ngưỡng độ phân giải 0,2 µm (micrômét) nhờ ứng dụng các phân tử phát sáng. Với ứng dụng này, có thể sử dụng kính hiển vi quang học để quan sát vật sống ở mức độ tế bào mà không làm hỏng hay làm đông vật thể quan sát.

Ba nhà khoa học đã thiết lập hai phương pháp kỹ thuật để có thể nhìn thấy các phân tử di chuyển trong các tế bào sống. Năm 2000, nhà nghiên cứu Đức Stefan Hell đã khám phá kỹ thuật nghiên cứu hiển vi được gọi là suy giảm phát xạ cảm ứng (STED) bằng cách sử dụng hai tia laser. Một tia laser được dùng để kích thích các phân tử phát sáng lên và một tia laser sẽ hủy hiện tượng phát sáng, trừ các vật có kích thước nano.

Trong khi đó, hai nhà khoa học Mỹ Eric Betzig và William Moerner đã nghiên cứu kỹ thuật hiển vi đơn phân tử để kích hoạt hoặc không kích hoạt hiện tượng phát sáng của các phân tử tùy theo yêu cầu. Eric Betzig sử dụng kỹ thuật này lần đầu tiên vào năm 2006.

Eric Betzig 54 tuổi đang nghiên cứu tại Viện Y khoa Howard Hughes thuộc Trung tâm nghiên cứu Janelia tại Ashburn (bang Virginia, Mỹ). William Moerner 61 tuổi làm việc tại Đại học Stanford, còn Stefan Hell 51 tuổi làm việc tại Viện Nghiên cứu Max Planck ở Đức.

4. Giải Nobel Văn học 2014

Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố giải Nobel Văn học 2014 thuộc về nhà văn Pháp Patrick Modiano (ảnh), một cá tính văn chương nổi bật với “nghệ thuật hồi tưởng, qua đó dựng nên những số phận con người khó nắm giữ nhất và vén lên thế giới của sự chiếm đóng”.

Patrick Modiano trở thành nhà văn thứ 11 của Pháp giành được giải thưởng Nobel danh giá này.

Sinh năm 1945, Patrick Modiano ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tiên La Place de l’Étoile (được dịch ra tiếng Việt với tên gọi Quảng trường ngôi sao) vào năm 1968. Mười năm sau, ông nhận giải thưởng Goncourt với Rue des Boutiques Obscures (cuốn sách được Dương Tường dịch với tiêu đề Phố của những cửa hiệu u tối). Năm 1996, ông nhận giải thưởng Grand Prix… Patrick Modiano vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier (tạm dịch: Để em không lạc giữa phố).

Ngoài hai tác phẩm vừa kể trên, còn hai tác phẩm khác của ông đã được dịch sang tiếng Việt là Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối và Những đại lộ ngoại vi.

5. Giải Nobel Hòa bình 2014

Malala Yousafzai, một thiếu nữ 17 tuổi mang quốc tịch Pakistan, và nhà hoạt động vì quyền trẻ em Kailash Satyarthi tại Ấn Độ cùng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2014.

Malala trở thành người trẻ tuổi nhất nhận giải Nobel Hòa bình. Cô sinh ngày 12/7/1997 tại thị xã Mingora ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, nơi các tay súng Taliban cấm trẻ em gái tới trường. Bất chấp lệnh cấm của bọn chúng, em vẫn tới trường và vận động những bé gái khác làm việc tương tự. Sau khi giới truyền thông phương Tây đưa tin về Malala, các tay súng Hồi giáo cực đoan bắn vào đầu và cổ cô khi cô tới trường bằng xe buýt trong năm 2012. Kailash Satyarthi, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em tại Ấn Độ, chia sẻ giải Nobel Hòa bình với Malala. Sinh ngày 11/1/1954, ông là người hoạt động tích cực nhằm chống lại việc sử dụng lao động trẻ em ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới từ những năm 90. Tổ chức Bachpan Bachao Andolan của ông đã cứu 80.000 trẻ em khỏi kiếp sống nô lệ, đồng thời hỗ trợ các em tái hòa nhập cộng đồng.

6. Giải Nobel Kinh tế 2014

Giáo sư Jean Tirole, sinh năm 1953, được trao giải Nobel Kinh tế 2014 nhờ vào những nghiên cứu về sức mạnh và quy luật thị trường.

Giải thưởng Nobel Kinh tế là giải thưởng không hề nằm trong di chúc của nhà khoa học Alfred Nobel, nên nó luôn được trao cuối cùng trong mùa giải Nobel hằng năm.

Ông được Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá là “một trong những nhà kinh tế vĩ đại đương thời còn sống và công trình của ông sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế thế giới”, theo Bloomberg. Bắt đầu từ thập niên 1980, công trình của Giáo sư Tirole đã đưa ra những lý thuyết mới giúp các nhà làm chính sách hiểu rõ hơn về bản chất, cách hoạt động về những tập đoàn khổng lồ, từ đó đề ra quy định, chính sách nhằm ngăn chặn các “đại gia” khống chế thị trường và triệt tiêu cạnh tranh. Cùng các cộng sự, Giáo sư Tirole còn đưa ra những mô hình quản lý cụ thể trong các lĩnh vực dễ xuất hiện độc quyền và bắt tay thao túng thị trường như viễn thông hay tài chính – ngân hàng.

“Jean Tirole là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hướng nhất trong thời đại của chúng ta”, Ủy ban Nobel cho biết, đồng thời công bố giải thưởng Nobel trị giá 1,1 triệu USD.

Giáo sư Tirole đang công tác tại Trường đại học Toulouse 1 Capitole ở thành phố Toulouse, miền nam nước Pháp.

ĐN (tổng hợp)

Nobel
Comments (0)
Add Comment