Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Các giải pháp kể trên là chống gian lận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, còn đối với hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa, tình trạng gian lận xuất xứ, hàng hóa nước ngoài đội lốt “made in Vietnam” chắc là không ít. Vụ Khaisilk trước đây, hay Asanzo hiện nay là những ví dụ điển hình, thưa ông?
Trả lời: (Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng, TCTK)
Vụ Khaisilk là việc bán hàng Trung Quốc gắn “made in Vietnam” thì đã rõ và cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ vụ án. Còn đối với vụ Asanzo, Thủ tướng đã yêu cầu xác minh xem liệu có dấu hiệu lừa dối khách hàng hay không, hiện chưa có kết luận. Tuy nhiên, về vấn đề này, trong thống kê thương mại, dịch vụ, Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc – UNSC cũng đang xem xét, rà soát lại các tiêu chuẩn thống kê nhằm đánh giá chính xác xuất xứ hàng hóa.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu khá nhiều linh kiện, phụ tùng, chi tiết, thiết bị điện tử từ Hàn Quốc (6 tháng đầu năm tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hà Quốc gần 23 tỷ USD), sau đó sản xuất ra sản phẩm điện tử, điện thoại nguyên chiếc. Không thể phủ nhận sản phẩm điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử do Samsung sản xuất tại Việt Nam có xuất xứ Việt Nam, mặc dù giá trị gia tăng của sản phẩm nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam không nhiều. UNSC đang nghiên cứu vấn đề này, nhằm đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn xác định thế nào là hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia.