Câu hỏi: (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Các nền kinh tế phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn đang sử dụng lạm phát mục tiêu, tại sao lại phải sử dụng ngưỡng lạm phát, thưa ông? (Nguồn: https://baodautu.vn/da-den-luc-xay-dung-nguong-lam-phat-thay-chi-tieu-lam-phat-d150579.html)
Trả lời:
Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Ở các nền kinh tế phát triển gọi là lạm phát mục tiêu, nhưng bản chất là người ta sử dụng ngưỡng lạm phát. Ví dụ, Mỹ và EU thường đặt mục tiêu lạm phát khoảng 2% mỗi năm, theo đó, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương điều hành lạm phát quanh ngưỡng 2% với một biên độ nhất định tùy thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.
Cụ thể, kể từ năm 2020, khi nền kinh tế bị suy thoái do đại dịch, FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản, tăng cường mua trái phiếu… để bơm tiền ra nền kinh tế, giúp kinh tế phục hồi nhanh chóng, nhưng đổi lại, chấp nhận lạm phát tăng trên 2% với biên độ nhất định. Khi lạm phát đã tăng quá ngưỡng trên, kinh tế dần phục hồi, FED đang xem xét nâng lãi suất cơ bản và thắt chặt chính sách tiền tệ để kéo lạm phát xuống. Kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế trên thế giới cũng điều hành tương tự.
Còn ở các nước đang phát triển, người ta đặt ra ngưỡng lạm phát (ví dụ từ 5 đến 8%) cho cả một giai đoạn 5 năm. Căn cứ vào ngưỡng này, Chính phủ, Ngân hàng Trung ương điều hành linh hoạt để trong cả giai đoạn không vượt quá trần và không xuống quá sàn. Còn Việt Nam gọi là lạm phát mục tiêu, nhưng thực ra là chỉ tiêu pháp lệnh và điều hành càng thấp càng tốt, không căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế cũng như diễn biến trên thị trường thế giới.