Khi nói đến sự hiểu biết và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, việc đo lường khía cạnh giới trong thương mại nổi lên như một nỗ lực ngày càng quan trọng.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, việc thiếu dữ liệu về bình đẳng giới trong thương mại quốc tế đã gây ra trở ngại, cản trở các quốc gia trong việc áp dụng lăng kính giới cần thiết để thiết kế các chính sách trao quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới.
Để thu hẹp khoảng cách này, năm 2018, UNCTAD đã xây dựng một khung giúp các quốc gia liên kết dữ liệu thống kê quốc gia hiện có để đánh giá về giới trong thương mại. Quá trình này được gọi là “liên kết vi dữ liệu”, cung cấp giải pháp thay thế bền vững và hiệu quả về mặt chi phí để tạo các cuộc khảo sát mới.
Khung này đã được thử nghiệm bởi 06 quốc gia và hiện được nêu trong Hướng dẫn mới được công bố của UNCTAD về đo lường số liệu thống kê về giới trong thương mại, nhằm giúp các cơ quan thống kê quốc gia tăng cường dữ liệu để cung cấp thông tin cho việc phát triển chính sách thương mại.
Anu Peltola, người đứng đầu công việc thống kê tại UNCTAD cho biết: “Nhu cầu dữ liệu ngày càng phức tạp đòi hỏi các hệ thống dữ liệu có khả năng tương tác để giúp rút ra những hiểu biết mới từ dữ liệu chúng tôi có”. “Điều này đặc biệt quan trọng ở các nước đang phát triển, nơi nguồn tài nguyên khan hiếm. Chúng tôi không thể để dữ liệu không được sử dụng”, bà Peltola nói thêm.
Chỉ ra khoảng cách giới tồn tại trong thương mại
Hướng dẫn này được phát triển như một phần của dự án chung về dữ liệu và số liệu thống kê cho các chính sách thương mại phù hợp với giới hơn ở Châu Phi, Caucasus và Trung Á. Trong đó UNCTAD hợp tác với các ủy ban kinh tế khu vực của Liên hợp quốc ở Châu Phi và Châu Âu.
Cameroon, Georgia, Kazakhstan, Kenya, Senegal và Zimbabwe đã thí điểm phương pháp liên kết dữ liệu vi mô của UNCTAD và biên soạn một bộ chỉ số thử nghiệm mới, phân tách theo giới tính để đo lường việc làm, tiền lương và quyền sở hữu doanh nghiệp.
Kết quả ở cả 06 quốc gia thí điểm đã tái khẳng định khoảng cách giới có lợi cho nam giới nhưng cũng bộc lộ nhiều khác biệt giữa các quốc gia. Georgia và Kenya đã trình bày những phát hiện và bài học kinh nghiệm của họ vào ngày 30 tháng 8 tại phiên họp của Diễn đàn Toàn cầu về Thống kê Giới của Liên hợp quốc lần thứ 9.
Georgia: Xây dựng chính sách dựa trên dữ liệu để hỗ trợ thương nhân nữ.
Ở Georgia, kết quả liên kết dữ liệu vi mô cho thấy phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp thương mại ít hơn so với nam giới, trong đó phụ nữ kiếm được ít hơn từ 30% đến 35%. Trong khi đó, phân tích quyền sở hữu chỉ ra số lượng nam giới làm chủ doanh nghiệp cao hơn khoảng 09 lần so với phụ nữ đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cao hơn 05 lần đối với những doanh nghiệp chỉ nhập khẩu và gấp 03 lần đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. “Các khía cạnh giới của thống kê thương mại phù hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến phúc lợi và bình đẳng. Gogita Todradze, giám đốc điều hành của Cơ quan Thống kê quốc gia Georgia cho biết. Dựa trên những hiểu biết sâu sắc này, Georgia có kế hoạch đưa dữ liệu về giới trong thương mại vào số liệu thống kê. Mục đích nhằm giúp các quan chức chính phủ thiết kế các chính sách khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, cũng như tăng cơ hội việc làm và tiền lương cho phụ nữ trong lĩnh vực thương mại.
Kenya: Hợp tác toàn chính phủ là chìa khóa để tận dụng dữ liệu hiện có
Kenya, một quốc gia thí điểm khác, ghi nhận việc liên kết dữ liệu vi mô giúp tiết kiệm tài nguyên, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong chính phủ. Dữ liệu thống kê cần thiết cho phương pháp này có thể đến từ nhiều cơ quan khác nhau. Ví dụ: Cục Thống kê Quốc gia Kenya (KNBS) không có quyền truy cập vào dữ liệu vi mô thương mại do chính sách bảo mật của nước này. Do đó, cần phải hợp tác với Cơ quan Thuế Kenya (KRA) để liên kết dữ liệu từ cơ sở dữ liệu hải quan của cơ quan này với dữ liệu thuế hành chính. Sau khi liên kết vi dữ liệu hoàn tất, KRA – tuân theo các giao thức bảo mật dữ liệu – đã ẩn danh tập dữ liệu trước khi chuyển nó cho KNBS để phân tích. Tương tự như kinh nghiệm ở Georgia, thí điểm ở Kenya đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sự chênh lệch giới tính trong thương mại. Trong các công ty thương mại ở Kenya, nhân viên nam chiếm khoảng 65% tổng số nhân viên. Nam giới trung bình được trả nhiều hơn phụ nữ từ 21% đến 27%. Ngoài ra, nam giới chiếm 72% tổng số chủ sở hữu các công ty thương mại.
Cynthia Chelimo, người làm việc cho Bộ Thương mại Ngoại giao Kenya, cho biết: “Những chỉ số này có thể cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách có tính đến giới bằng cách xác định những thách thức và cơ hội để thúc đẩy chuỗi giá trị có tính đến giới”.
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://unctad.org/news/improving-statistics-gender-and-trade-developing-countries