Chi cục Thống kê làm tốt chức năng góp phần “Nâng cao chất lượng chuẩn bị văn kiện” đại hội đảng cấp huyện

Điều 4, Luật Thống kê năm 2015 (Luật sửa đổi, bổ sung) đã xác định chức năng hoạt động của cơ quan thống kê nhà nước: “ Đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, qui hoạch chính sách, quản lý điều hành phát triển kinh tế- xã hội”. Chi cục Thống kê quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chi cục Thống kê khu vực (gọi chung là Chi cục Thống kê) là cơ quan thống kê nhà nước cấp huyện thuộc Cục Thống kê, thực hiện chức năng trên nhằm đảm bảo thông tin thống kê trung thực, đầy đủ, chính xác, khách quan và kịp thời phục vụ Đảng bộ và chính quyền cấp huyện, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp huyện. Vì thế Chi cục trưởng Chi cục Thống kê được Cấp ủy địa phương Quyết định là một thành viên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2025- 2030. Để làm tốt nhiệm vụ của mình trong Tiểu ban Văn kiện, góp phần hoàn thành tốt yêu cầu “ Nâng cao chất lượng chuẩn bị Văn kiện” của Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Chi cục Thống kê cần chủ động triển khai các công việc sau:

Đầu tiên là, Chi cục Thống kê phải xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “ Thống kê là tai, là mắt của Đảng và nhà nước”.

Hai là, chuẩn bị phục vụ cho biên tập Văn kiện. Văn kiện của cấp ủy trình Đại hội gồm 02 báo cáo chủ yếu là: Báo cáo chính trị của Đảng bộ và Báo cáo kiểm điểm của Cấp ủy.

Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu “Báo cáo chính trị của Đảng bộ phải đánh giá khách quan, trung thực, sát thực tế” trong 5 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, đồng thời đề ra “Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực khả thi, hiệu quả cho nhiệm kỳ 2025- 2030”. Chi cục Thống kê, trước tiên phải chọn ra danh sách những chỉ tiêu thống kê và kế hoạch trong báo cáo chính trị sử dụng. Sau đó, ta phải tiến hành tập trung, kiểm tra, hệ thống hóa số liệu các chỉ tiêu thống kê đã được Chi cục Thống kê tính toán, tổng hợp cung cấp cho việc đánh giá mục tiêu cụ thể báo cáo giữa nhiệm kỳ và hàng năm (không được điều chỉnh những số liệu thống kê này). Cần chú ý, chỉ tiêu thống kê phải phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch tương ứng về các mặt: Tên gọi, nội dung và phương pháp tính nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của mục tiêu trong báo cáo chính trị của Đảng bộ. Chỉ tiêu kế hoạch thường ít hơn chỉ tiêu thống kê, chỉ tiêu kế hoạch phản ánh những nội dung lớn, cốt lõi…của tình hình kinh tế- xã hội cấp huyện, công tác xây dựng Đảng. Chỉ tiêu kế hoạch thể hiện mục tiêu cụ thể trong báo cáo chính trị.

Bước tiếp theo là trình bày số liệu thống kê và kế hoạch, một số dự báo số liệu của chỉ tiêu kế hoạch:

– Chỉ tiêu thống kê cần được trình bày theo dãy thời gian 5 năm, trong đó số liệu thống kê thực hiện năm 2021, 2022, 2023, sơ bộ năm 2024 và ước năm 2025.

– Dùng phương pháp dự báo thống kê, dự báo các chỉ tiêu cho các năm 2026, 2027, 2028, 2029 và 2030. Đây là cơ sở rất quan trọng và khoa học để Ban biên tập Dự thảo báo cáo chính trị về các chỉ tiêu kế hoạch (mục tiêu cụ thể).

– Chỉ tiêu kế hoạch có tên tương ứng với chỉ tiêu thống kê, nhưng có trị số, mức độ ghi trong báo cáo chính trị tại năm 2025.

– Tính toán các chỉ tiêu dẫn xuất (Tốc độ tăng bình quân, tỷ lệ, tỷ trọng…).

– Cần phân biệt cách tính trung bình cộng và trung bình nhân (Tính tốc độ phát triển, tốc độ tăng phải dùng phương pháp tính trung bình nhân).

Ba là, biên tập báo cáo chính trị. Biên tập báo cáo chính trị là phân tích, đánh giá trung thực, khách quan, sát thực tế của từng nội dung nhiệm vụ trong báo cáo. So sánh với chỉ tiêu kế hoạch để xác định mức độ hoàn thành kế hoạch, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết nhiệm kỳ 2020- 2025. Từ đó tìm ra hạn chế, ưu điểm, bài học kinh nghiệm của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội. Trên cơ sở hạn chế, bài học kinh nghiệm, dự báo các chỉ tiêu thống kê chủ yếu và nguồn lực mới tham mưu cho Ban biên tập đưa ra chỉ tiêu kế hoạch cho nhiệm kỳ 2025- 2030 “ Đề ra các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện nhiệm kỳ mới và với tầm nhìn xa hơn”. Bộ chỉ tiêu cho nhiệm kỳ mới được xác định khoa học, khả thi sẽ thuận lợi cho công tác thống kê trong nhiệm kỳ sau.

Bốn là, triển khai viết các chuyên đề phản ánh đặc điểm riêng có của cấp huyện như: Làng nghề, văn hóa, giáo dục, đời sống nhân dân, du lịch…chuyên đề được hoàn thiện làm Ấn phẩm phục vụ để làm rõ hơn những nội dung có liên quan trong báo cáo Chính trị của cấp huyện.

Năm là, công bố, phổ biến và truyền thông kết quả đạt được nhiệm kỳ 2020- 2025 và mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025- 2030. Đây là một công việc cũng rất quan trọng, góp phần giúp cấp ủy cấp dưới, tổ chức cơ quan doanh nghiệp và nhân dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nghiên cứu…từ đó, có những ý kiến tâm huyết, xây dựng và phù hợp… đóng góp xây dựng báo cáo chính trị. Đặc biệt là tạo ra sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó như Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị xác định. Hình thức thể hiện là các biểu thống kê với các chỉ tiêu thống kê chủ yếu nhiệm kỳ 2020- 2025. Bảng thực hiện mục tiêu Đại hội…nhiệm kỳ 2020- 2025. Bảng mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội nhiệm kỳ 2025- 2030 cần xây dựng đồ họa thông tin (Infographic) với các biểu tương ứng trên. Các tờ gấp được biên tập trên cơ sở số liệu của các biểu, bảng này nhưng kích thước nhỏ, dễ xem, đễ dùng…Tài liệu này và các chuyên đề được tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, Hội trường nơi diễn ra Đại hội Đảng các cấp.

Sáu là, tham gia giải thích và giải trình về số liệu thống kê và đánh giá trong báo cáo Chính trị là một việc làm tất yếu và theo Luật Thống kê qui định cho mọi đảng viên, tổ chức, đơn vị và nhân dân. Vì thế, người của Chi cục Thống kê được phân công làm công việc này phải tinh thông nghiệp vụ thống kê, hiểu biết sâu sắc về hoạt động Đảng, quản lý nhà nước…Trong quá trình giải thích, giải trình Chi cục Thống kê cần khẳng định về ý nghĩa, phương pháp tính chỉ tiêu thống kê, hoạt động thống kê tuân theo qui định Luật Thống kê (Sửa đổi năm 2015), chuẩn mực thống kê quốc tế và trách nhiệm cao cả của người làm công tác thống kê. Có tình huống phải dùng những chỉ tiêu thống kê khác liên quan để giải thích (Sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng là doanh nghiệp, cơ sở SXKD cá thể; Kim ngạch xuất- nhập khẩu trên địa bàn; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn…để giải thích cho tăng trưởng kinh tế, hoặc so sánh cùng chỉ tiêu thống kê với địa phương khác). Phải hiểu sâu sắc và cách tính số trung bình của tổng thể (là số san bằng các đơn vị của tổng thể); độ biến thiên (chỉ ra sự khác nhau của các đơn vị trong tổng thể); Chỉ số…cách dùng phương pháp dãy số biến động theo thời gian và dự báo cũng là một cơ sở để giải thích, giải trình…;

Những gợi mở trên đây là những kinh nghiệm, kỹ năng có được trong thực tiễn hoạt động thống kê. Chúng ta những người làm công tác thống kê hãy chung sức đồng lòng để  minh chứng cho khẳng định “Thống kê kinh tế – xã hội là một trong những công cụ mạnh nhất để nhận thức xã hội” (V. Lenin), đồng thời góp phần xứng đáng cho Đại hội Đảng bộ cấp huyện nhiệm kỳ 2025- 2030 thành công tốt đẹp.

Vũ Thanh Liêm – Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam

Trần Đức Văn – Chi cục trưởng Chi cục Thống kê thành phố Từ Sơn, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh

tiêu điểm
Comments (0)
Add Comment