Khi nói đến tình trạng giàu nghèo của hộ gia đình người ta thường nghĩ đến việc hộ đó có tổng thu nhập một tháng là bao nhiêu hoặc hộ đó chi tiêu bao nhiêu tiền trong tháng. Đo lường thu nhập và chi tiêu để đánh giá hộ đó là hộ khá giả hay nghèo khó là cách đo lường trực tiếp. Còn một thước đo khác để đánh giá mức sống của hộ, đó là dựa vào các đặc điểm của hộ như tài sản, đồ dùng hộ sở hữu, kết cấu căn nhà hộ đang ở gồm cấu tạo căn nhà, số lượng phòng trong nhà, các điều kiện sinh hoạt khác mà hộ đang sử dụng như nguồn nước, công trình vệ sinh…Dựa vào các đặc điểm này của hộ, chúng ta có thể đánh giá hộ đó là hộ giàu hay nghèo, đây là phương pháp đánh giá gián tiếp được thực hiện qua thước đo đơn giản gọi là chỉ số mức sống.
Chỉ số mức sống (wealth index) là một khái niệm quen thuộc trong nghiên cứu xã hội học trên thế giới nhưng khá mới mẻ tại Việt Nam. Để đánh giá mức sống của hộ dân cư chúng ta thường nghĩ đến các thước đo thu nhập hoặc chi tiêu chung của hộ trong một khoảng thời gian nhất định thường là tháng hoặc năm – đây là cách đánh giá trực tiếp. Những hộ được coi là giàu có nếu như hộ đó nằm trong 20% nhóm các hộ gia đình có mức thu nhập hoặc chi tiêu cao nhất trong cả nước, tương tự như vậy những hộ nghèo nhất nằm ở 20% nhóm thấp nhất.
Thống kê hiện đại mục tiêu hướng tới tận dụng tối đa dữ liệu với chi phí thấp nhất. Việt Nam không có nhiều cuộc điều tra xã hội học thu thập thông tin về thu nhập, chi tiêu của cá nhân cũng như hộ gia đình. Trong chương trình Điều tra Thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khảo sát mức sống dân cư là cuộc điều tra duy nhất thu thập thông tin về thu nhập và chi tiêu hộ gia đình. Có ba vấn đề lớn khi thu thập thông tin về thu nhập và chi tiêu, đó là (i) yếu tố phức tạp của bộ câu hỏi; (ii) sự sẵn sàng hợp tác trả lời của người được phỏng vấn và (iii) tính chính xác của thông tin thu thập.
Bài toán đặt ra ở đây là đối với kết quả các cuộc điều tra xã hội học, việc đánh giá các hiện tượng phân tổ theo tình trạng kinh tế của hộ gia đình là một phân tích quan trọng. Thực tế cho thấy, chênh lệch giàu nghèo gây ra nhiều sự bất bình đẳng về mặt tiếp cận xã hội. Do vậy, trong trường hợp đặt ra chỉ cần phân định các hộ gia đình thành các nhóm giàu nghèo, trung bình trong xã hội thì sử dụng chỉ số mức sống sẽ đơn giản hơn so với việc phân chia theo nhóm thu nhập hay chi tiêu.
Chỉ số mức sống có giá trị vô cùng đặc biệt đối với các điều tra xã hội thiếu dữ liệu thu nhập và chi tiêu, chỉ có các thông tin cơ bản đo lường tình trạng kinh tế của hộ gia đình. Chỉ số mức sống cho phép các nhà nghiên cứu xác định mức độ ảnh hưởng của tình trạng kinh tế hộ gia đình lên các yếu tố đầu ra về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, lao động việc làm, nhà ở, điện nước vệ sinh, bảo trợ xã hội. Ví dụ chúng ta cần xem xét tình trạng bỏ học ở trẻ em có bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế của hộ gia đình hay không, hay liệu mức độ giàu nghèo của hộ gia đình có ảnh hưởng tới việc tham gia bảo hiểm y tế của các thành viên hay không.
Nội dung chi tiết xem tại file đính kèm