Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
LTS: Báo điện tử VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Tít bài “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới” do toà soạn đặt lại).
1. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng sản xuất và từng bước cải tạo, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Quá trình này diễn ra qua nhiều giai đoạn, phản ánh sự vận động và phát triển không ngừng của Cách mạng Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra trang sử mới cho sự phát triển của dân tộc trong điều kiện đất nước vừa giành độc lập đã phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Xuất phát điểm từ nền nông nghiệp lạc hậu, trải qua hàng nghìn năm phong kiến và hàng trăm năm thực dân đô hộ, Đảng ta đã thực hiện chính sách “người cày có ruộng” nhằm trao ruộng đất về tay nông dân, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, hướng tới việc cải tạo quan hệ sản xuất, tạo tiền đề xây dựng phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Giai đoạn 1954 – 1975, cách mạng nước ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Ở miền Bắc, lấy xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới dựa trên ba trụ cột: chế độ công hữu, quản lý kế hoạch hóa tập trung và phân phối theo lao động [1], đã đưa lực lượng sản xuất phát triển vượt bậc.Năm 1975, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, mở ra chương mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ IV của Đảng năm 1976 trên cơ sở đánh giá đặc điểm lớn của đất nước đó là, từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; đã đề ra đường lối: kiên định chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, quyết tâm tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: về quan hệ sản xuất, khoa học – kỹ thuật và tư tưởng văn hóa [2]. Trong đó, cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt, đẩy mạnh công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm.
Từ năm 1979 đến trước Đại hội VI của Đảng năm 1986, đất nước ta đã trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng, một phần nguyên nhân do sự thiếu đồng bộ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất có những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất [3]. Từ nhận thức đúng đắn đó, Đại hội VI của Đảng đã quyết tâm tiến hành đổi mới toàn diện, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ bao cấp, từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 của Bộ Chính trị là bước đột phá về đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp khi chính thức thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ và trao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, phù hợp với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất [4]. Chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên đã sản xuất được 21,5 triệu tấn lúa và lần đầu tiên xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Việc điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp đã tạo động lực mới cho lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế.
“Việc điều chỉnh quan hệ sản xuất phù hợp đã tạo động lực mới cho lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế.”
2. Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 5,7-5,9%/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới; quy mô nền kinh tế tăng 1,45 lần, ước đạt 500 tỷ USD vào năm 2025. Thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh từ 3.400 USD đến khoảng 4.650 USD, đưa Việt Nam vào nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các chính sách điều hành linh hoạt, hiệu quả; vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể.
Lực lượng lao động ước đạt 53,2 triệu người vào năm 2025, với cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh, còn 25,8%; chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng cao với 70% lao động qua đào tạo. Nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực then chốt, như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin được tập trung phát triển, bước đầu hình thành đội ngũ lao động với tư duy số và kỹ năng số ngày càng được nâng cao.
Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, dẫn đến những mâu thuẫn mới với quan hệ sản xuất hiện hữu; vừa tạo tiền đề, động lực hình thành phương thức sản xuất mới trong tương lai, vừa đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Lực lượng sản xuất mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ; song chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong khi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ cao, vẫn là thách thức lớn. Quan hệ sản xuất còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Muốn vậy, người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo… đảm bảo khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.