Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn-Báo đầu tư) Thưa ông, có một thực tế là càng tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), thì tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng hóa nước ngoài “đội lốt” Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều?
Trả lời:
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng, TCTK.
Cho đến thời điểm này, chưa có cơ quan chức năng nào chỉ ra cụ thể những mặt hàng nào có gian lận xuất xứ nhằm chống lẩn tránh thuế xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã tham gia, ký kết FTA. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã nhiều lần đưa ra cảnh báo là có nguy cơ hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế.
Cụ thể, Bộ Công thương đã chỉ ra 8 mặt hàng gồm sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, nhôm, máy tính, sắt thép, nhựa và xe đạp có nguy cơ gian lận xuất xứ. Không chỉ cảnh báo, mà Bộ Công thương đã đưa 8 mặt hàng này vào tầm ngắm và kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn gian lận xuất xứ làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam.
Để chống gian lận xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và sắp tới đây là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực, bao gồm ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Đề án này còn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.