Câu hỏi: Theo ông có nên đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4% không?
Trả lời:
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm
Tăng trưởng kinh tế có tầm quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước. Vì thế, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt của các quốc gia.
Ngay khi đại dịch được khống chế, với sự bao phủ của vaccine và nỗ lực của Chính phủ các nước thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, kinh tế thế giới đã thoát khỏi suy thoái. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kể từ khi đại dịch diễn ra, Chính phủ các nước đã chi số tiền kỷ lục, khoảng 16.900 tỷ USD; trong đó Mỹ chiếm tỷ lệ 1/3.
Kết quả cho thấy năm 2021, kinh tế thế giới đã phục hồi ngoạn mục với mức tăng trưởng đạt 5,9%; trong đó, các nước phát triển đạt 5,2%, tăng so với mức âm 4,5% của năm 2020, các nước mới nổi và đang phát triển đạt 6,4%, tăng so với mức âm 2,1% của năm 2020.
Tại Mỹ, nền kinh tế đã bật tăng trở lại với mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng vì chỉ một năm trước đó kinh tế Mỹ suy giảm sâu, với mức tăng trưởng âm 3,4%, mức giảm sâu nhất trong 74 năm. Tăng trưởng kinh tế Mỹ có được động lực mạnh mẽ từ các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và chính sách lãi suất thấp. Trong số 6.000 tỷ USD được Mỹ bơm ra, khoảng 1/7 số tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của người dân đóng thuế.
Tuy vậy, năm 2021, kinh tế Mỹ cũng trải qua một năm lạm phát cao, giá cả không ngừng tăng, đạt đỉnh trong quý 4/2021; trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,5%, cao nhất trong 40 năm.
Tính cả năm 2021, kinh tế Mỹ ghi nhận lạm phát tăng 3,9%. Lạm phát của Mỹ vẫn kéo sang 4 tháng đầu năm 2022; trong đó, tháng 4/2022, lạm phát tăng 8,3%, giảm nhẹ so với mức 8,5% của tháng 3/2022 – mức cao nhất kể từ năm 1981.
Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục tăng nhẹ, đạt mức cao kỷ lục 7,5%, so với mức 7,4% vào tháng 3/2022 và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao.
Câu chuyện đánh đổi lạm phát cao để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như: khu vực đồng tiền chung châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản…
Từ thực tiễn chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu trong ngắn hạn để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới, theo tôi không nên đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%.
Tác giả sử dụng Tính trung bình mô hình Bayes (BMA) để kiểm tra xem tác động của lạm phát lên tăng trưởng kinh tế dài hạn có mạnh mẽ đối với các tham số mô hình thay thế hay không. Kết quả thực nghiệm cho thấy mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế trên thực tế là phi tuyến tính. Dựa trên kết quả chạy hồi quy BMA tác giả đã xây dựng mô hình thực nghiệm kiểm định mối quan hệ phi tuyến tính giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và sử dụng thuật toán tối ưu hoá ngẫu nhiên xác định ngưỡng tỷ lệ lạm phát tối ưu là 4,07%. Lạm phát dưới ngưỡng 4,07% ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế nhưng không đáng kể, lạm phát trên ngưỡng 4,07% tác động tiêu cực và cũng không đáng kể đến tăng trưởng kinh tế.