Câu hỏi: (PV Thúy Hiền-TTXVN) Có ý kiến cho rằng, kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP. Như vậy, con số này liệu có ảnh hưởng đến nợ công của Việt Nam và ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Về hoạt động kinh tế ngầm, có những quốc gia điều tra, ước lượng và tích hợp vào chỉ tiêu GDP, nhưng cũng có nhiều quốc gia chỉ tiến hành tính toán để biết tỷ lệ của hoạt động kinh tế ngầm của một năm nào đó phục vụ quản lý, điều hành và nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp mà không tính vào chỉ tiêu GDP.
Hoạt động kinh tế ngầm tồn tại khách quan và có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế như ảnh hưởng đến nguồn thu thuế của Chính phủ; ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội của một quốc gia; làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của các sản phẩm của quốc gia bị giảm đi; môi trường kinh doanh không bình đẳng, giảm độ tin cậy và sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh; không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, đầu tư dài hạn, quy mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực; lao động làm việc ở khu vực kinh tế ngầm không được đảm bảo các điều kiện về lao động, hoặc các hình thức an sinh xã hội khác.
Việc không xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động kinh tế ngầm sẽ không có thông tin cung cấp cho các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà quản lý đưa ra các chính sách hoặc quyết định điều hành hợp lý làm cho hiệu lực, hiệu quả của các chính sách bị hạn chế, hoạt động kinh tế kém hiệu quả.
Hiện nay, hoạt động kinh tế ngầm chưa được tính toán và tích hợp vào chỉ tiêu GDP của Việt Nam. Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các bộ, ngành để khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp thu hẹp phạm vi của khu vực này.
Việc quyết định có tích hợp hoạt động kinh tế ngầm vào chỉ tiêu GDP hay không sẽ được xem xét sau khi nghiên cứu, khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động kinh tế ngầm trong nền kinh tế.
Tôi cho rằng, nếu hoạt động kinh tế ngầm được tích hợp vào chỉ tiêu GDP không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như: tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR); tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP; năng suất lao động xã hội….
Các quốc gia trên thế giới khi công bố thay đổi quy mô của chỉ tiêu GDP đồng thời cũng công bố sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan.