Sáng ngày 14 tháng 3 năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016. Đây là năm thứ 12 liên tiếp VCCI và USAID tính toán và công bố bộ chỉ số này, nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
PCI là một chỉ số tổng hợp, gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Tiếp cận đất đai; (3) Tính minh bạch; (4) Chi phí thời gian; (5) Chi phí không chính thức; (6) Cạnh tranh bình đẳng; (7) Tính năng động; (8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; (9) Đào tạo nhân lực; và (10) Thiết chế pháp lý. PCI được xây dựng theo quy trình 3 bước, gồm: (i) Thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu đã công bố khác; (ii) Tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa trên thang điểm 10; (iii) Gán trọng số và tính điểm số PCI tổng hợp gồm điểm trung bình của 10 chỉ số thành phần trên thang điểm tối đa 100.
Nguồn dữ liệu phục vụ tính toán PCI dựa trên việc thực hiện điều tra các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia điều tra PCI được lựa chọn ngẫu nhiên phân tầng nhằm đảm bảo tính đại diện của cộng đồng doanh nghiệp từng tỉnh, theo các tiêu chí: Tuổi doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp và ngành nghề. Để tính PCI năm 2016, VCCI đã thu thập dữ liệu từ 10.037 doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong đó có 2.042 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 và 2016 và 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 46 quốc gia đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo PCI năm 2016, vị trí đứng đầu thuộc về Đà Nẵng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp và lần thứ 7 trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, Thành phố Đà Nẵng được các doanh nghiệp vinh danh vị trí quán quân trên bảng xếp hạng PCI. Bảng xếp hạng PCI năm 2016 cũng chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm qua. Trong khi đó, Đồng Tháp đứng vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ 9 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Bảng xếp hạng PCI năm 2016 có sự trở lại ấn tượng của Bình Dương trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu sau nhiều năm nằm trong nhóm khá. Các địa phương Vĩnh Long, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Bảng xếp hạng PCI năm 2016 chứng kiến sự cải thiện điểm số của 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó: Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm điều tra PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, lần lượt ở vị trí thứ 14 và 21 trên bảng xếp hạng. Điểm số PCI của Cần Thơ đạt 61,14 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.
Các báo cáo PCI năm 2016 công bố tại http://pci2016.pcivietnam.vn/
ĐBH