Sáng ngày 29/9/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi Họp báo. Tham dự họp báo có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; các bộ, ngành cùng các đơn vị báo chí, truyền thông đến đưa tin; đại diện của 63 Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại họp báo
Phát biểu công bố, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước, khi nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Ước tính GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,2%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,55% đóng góp 0,59 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng 9 tháng năm 2022 đạt 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022. Cả nước có 163,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký là 3.908,2 nghìn tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,6%).
Hoạt động vận tải tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Tính chung 9 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 40,7% và luân chuyển tăng 59,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 24,4% và luân chuyển tăng 31%.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19. vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng tín dụng đạt khá, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Thị trưởng chứng khoán chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2022 ước đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,05 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,26 tỷ USD, chiếm 8,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 7,5%.
Toàn cảnh buổi họp báo
Trong 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Bình quân 9 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong 9 tháng năm 2022 là 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ước tính 7,86%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,29%.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và các lãnh đạo đơn vị trả lời họp báo
Tại buổi họp báo, sau phần công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2022. TCTK cũng đã dành thời gian giải đáp thỏa đáng câu hỏi của các biên tập viên, nhà báo về các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022. Cùng với đó, khẳng định một lần nữa, để đạt được kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước./.