Ngày 29/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế – Xã hội quý IV và năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì Họp báo.
Tham dự trực tiếp có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và đại diện các bộ, ngành. Tại các điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo, chuyên viên thuộc 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc họp báo
Tại Họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế – xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.
Toàn cảnh họp báo
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với năm trước; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát; hoạt động khai thác gỗ triển khai tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá do nhu cầu và giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm nuôi tăng; tuy nhiên khai thác thủy sản biển gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu ở mức cao. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04% điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021.
Về sử dụng GDP năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021, đóng góp 49,32% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,75%, đóng góp 22,59%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 28,09%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD so với năm 2021). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê trả lời câu hỏi của báo chí
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 5,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%.
Tại họp báo, TCTK đã dành nhiều thời gian giải đáp thỏa đáng câu hỏi của phóng viên, biên tập viên về các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội Quý IV và năm 2022. Cùng với đó, để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, TCTK cũng đưa ra một số nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như sau: Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, diễn biến chính sách tài khóa tiền tệ các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại đầu tư chủ yếu của Việt Nam. Chủ động có phương án ứng phó kịp thời đối với những tình huống phát sinh…nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong năm tới; chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ; Bộ, ngành địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh sản xuất trong nước nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động phương án phòng chống thiên tai cảnh báo mưa lũ, sạt lở và tác động của hạn hán xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội lao động việc làm, công tác trợ cấp xã hội, trợ giúp đột xuất đảm bảo người dân không gặp rủi ro thiên tai, được hỗ trợ kịp thời và khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống; Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực./.