Câu hỏi: (Nhà báo Mạnh Bôn – Báo Đầu tư) Tôi muốn hỏi cụ thể Đề án 715 biên soạn GDP địa phương. Bắt đầu tháng 6 này Tổng cục Thống kê sẽ tính toán và công bố tốc độ tăng trưởng cho các địa phương cho đến nay chúng ta đã làm tới đâu rồi và xong chưa? Tại sao tốc độ tăng trưởng của các địa phương lại cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước? Bây giờ TCTK tính toán và công bố ví dụ trước đây các địa phương tốc độ tăng trưởng là 2 con số sau khi TCTK tính toán lại xuống 1 con số thì TCTK sẽ giải thích, giải trình với địa phương như thế nào? (Họp báo 6 tháng 2017)
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK) Chỉ tiêu GDP cho toàn bộ nền kinh tế với tính toán của các địa phương qua nhiều năm còn nhiều bất cập, hầu hết các địa phương đều muốn tính cao tăng trưởng trên hai con số. Ngay từ đầu năm 2010, TCTK đã nhận thức ra vấn đề này, tìm ra nguyên nhân sự khác biệt như vậy. Từ các nguyên nhân đó chúng tôi xây dựng Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 715/QĐ-TTg (gọi tắt Đề án 715). Khi xây dựng và triển khai Đề án này Chính phủ rất quan tâm đến ngành Thống kê. Năm 2014 chính Thủ tưởng Chính phủ nói đến chêch lệch GRDP, các bộ ngành phải tôn trọng tính độc lập khách quan của GRDP, qua các hạn chế bất cập chúng tôi đưa ra các giải pháp. Trong Đề án 715 đã quy định các Cục Thống kê địa phương có vai trò thu thập thông tin còn TCTK chịu trách nhiệm tính toán và công bố cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Làm như thế này thì thống nhất về phương pháp tính và không chịu sức ép hay tác động của địa phương. Theo quy định tại Đề án 715, ngày 30/5/2017, TCTK phải tính toán và công bố GRDP cho các địa phương, phục vụ kỳ họp HĐND, để có số liệu đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của địa phương và đó là số liệu ước tính, sau đó TCTK sẽ công bố số liệu sơ bộ và chính thức sau. Các Cục thống kê giải trình thu thập thông tin KT-XH của tỉnh gửi cho TCTK để tính toán giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của từng ngành. Khi TCTK gửi số liệu GRDP tới các địa phương, TCTK ủy quyền cho Cục trưởng Cục thống kê tỉnh cung cấp số liệu đó tới lãnh đạo tỉnh. Cho đến nay một số ít tỉnh trao đổi trở lại với TCTK về chỉ tiêu GRDP cụ thể như tỉnh Cà Mau đề nghị TCTK rà soát lại vì tính cho Cà Mau là hơi thấp đề nghị điều chỉnh lên. TCTK rà soát khâu thu thập thông tin của Cà Mau và đặc biệt Cà Mau là tỉnh chủ yếu có giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đặc biệt là thủy sản, không có nhiều ngành công nghiệp, đột biến nên sau rà soát lại thì mức tăng trưởng của Cà Mau là hợp lý, cũng có tỉnh do thu thập thông tin của địa phương và đề nghị TCTK rà soát lại điều chỉnh giảm xuống cụ thể là tỉnh Bình Dương. Như vậy cho đến nay việc thực hiện Đề án này bước đầu đã thành công tuy nhiên đây là năm đầu tiên chúng tôi tính toán, chúng tôi chưa muốn phổ biến rộng rãi. Hơn nữa đây là số liệu ước tính chưa phải là số liệu sơ bộ, số liệu chính thức nên sắp tới vào đầu tháng 7, TCTK có tổ chức hội nghị ở Đã Nẵng, tất cả các Cục Thống kê địa phương đến để đánh giá lại thực hiện lần thứ 1 tính toán chỉ tiêu GRDP từ đó chỉ ra những bất cập, hạn chế và có giải pháp khắc phục. Nếu theo quy trình thu thập thông tin như hiện nay sợ các địa phương can thiệp khâu thu thập thông tin thì chúng ta làm thế nào? rồi hàng loạt các chỉ tiêu đầu vào liên quan đến cách tính thì chúng tôi rà soát tránh tình trạng các tỉnh đòi tính cao hơn; rồi liên quan đến vấn đề chêch lệch chỉ tiêu GRDP với GDP của cả nước, câu chuyện sau khi cộng chỉ tiêu GRDP lại cao hơn GDP là chuyện đương nhiên; thu thập thông tin của tỉnh, một trong những bất cập của hoạt động sản xuất thông tin. Xin nhắc lại với các nhà báo là chỉ tiêu GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chúng ta chỉ tính toán cho toàn bộ nền kinh tế, Việt Nam là một trong số ít nước có hệ thống điều hành theo cấp tỉnh, cần phải có số liệu phục vụ cho lãnh đạo tỉnh điều hành và xây dựng chính sách nên phải tính toán chỉ tiêu GRDP cho tỉnh, việc thu thập và tính toán chỉ tiêu GRDP cho các địa phương là hết sức khó khăn. Ví dụ 1 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, đóng địa bàn tại Hà Nội nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh thì chúng ta phải làm thế nào để tách hoạt động sản xuất kinh doanh nếu chúng ta không xử lý tốt thì tính trùng; trong thời gian vừa qua tỉnh nào cũng cố gắng tính đúng, tính đủ cho mình như vậy thì toàn bộ nền kinh tế sẽ bị tính trùng. TCTK tính toán và đổi mới phương pháp thu thập thông tin, đơn vị cơ sở là đơn vị thu thập thay cho đơn vị thu thập là doanh nghiệp để hạn chế tính trùng.