“Đề tài KH ‘cất ngăn kéo’ là không thể chấp nhận”

“Đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng “cất ngăn kéo” là điều không thể chấp nhận được” – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nói.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Điều lệ và tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, với quy mô lên tới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn về hoạt động của Quỹ cũng như vai trò của những người làm khoa học. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân sẽ giải đáp những băn khoăn này trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời, phát sóng trên VTV, tối 22/9/2013.

Theo Bộ trưởng, với cơ chế, điều lệ và tổ chức hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thì liệu có hạn chế được tình trạng Đề án khoa học “cất ngăn kéo” như đang xảy ra hiện nay hay không?

Nói về đề tài “cất ngăn kéo” không chỉ có cơ chế chính sách của chúng ta. Bản thân trong khoa học cũng có những loại đề tài phải “cất trong ngăn kéo”. Ví dụ như nghiên cứu cơ bản, nó phải đi trước thời đại. Vì thế phải để ngăn kéo đợi đến khi nào trình độ phát triển của xã hội đạt được mức độ nào đó mới có thể ứng dụng được đó. Tuy nhiên, đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng “cất ngăn kéo” là điều không thể chấp nhận được.

Trước đây tỷ lệ này khá lớn vì giữa nghiên cứu và sản xuất chưa có cầu nối để nghiên cứu xong có thể ứng dụng được. Bởi vì với sự ra đời của các quỹ thì có 2 mặt tích cực là tạo cơ chế thuận lợi cho giới khoa học nghiên cứu. Khi họ thấy ý tưởng nghiên cứu được phê duyệt thì họ được cấp tiền và bắt tay vào nghiên cứu ngay.

Thứ hai, đối với các quỹ này, khi tài trợ cho nghiên cứu theo cơ chế đặt hàng, những đề tài nào có khả năng ứng dụng, có khả năng thương mại hóa, được Nhà nước đặt hàng, quỹ tài trợ. Chắc chắn sau khi nghiên cứu xong, sẽ có người tiếp nhận và đưa vào sản xuất kinh doanh. Tôi tin tưởng như vậy, những nghiên cứu khoa học xếp vào ngăn kéo sẽ giảm nhiều.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

Xin được gửi tới Bộ trưởng những băn khoăn của một người làm khoa học. Một vị giáo sư đã viết như thế này: Tôi đánh giá rất cao về cơ chế rõ ràng, minh bạch, định lượng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Các điều kiện như phải có bao nhiêu bài báo, có bao nhiêu công trình nghiên cứu mới được giải ngân và giải ngân tới đâu… sẽ loại bỏ được một loạt đề án của các “tiến sĩ giấy”, “giáo sư giấy”.

Tuy nhiên, theo tôi, còn rất nhiều các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề thiết thực, liên quan mật thiết tới nhu cầu dân sinh thì lại không có người làm. Vì theo quy định, công trình khoa học phải được các Tạp chí quốc tế đăng tải, trong khi đó lại là những đề án lẻ tẻ của từng nhóm nghiên cứu chứ chưa phải là cụm công trình khoa học mang tính hệ thống quốc gia. Bộ trưởng nghì gì về băn khoăn của vị giáo sư này?

Xin cảm ơn các nhà khoa học quan tâm và chia sẻ với chúng tôi những băn khoăn như vậy. Điều này cũng thể hiện công tác truyền thông của chúng tôi tới xã hội và các nhà khoa học còn nhiều bất cập. Chúng tôi xin bổ sung thông tin để các nhà khoa học yên tâm.

Quỹ Đổi mới khoa học quốc gia chỉ là 1 trong 2 quỹ lớn mà Chính phủ cho phép thành lập, nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ. Quỹ này nhằm giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế.

Cách đây 10 năm, Chính phủ cũng cho phép thành lập Quỹ Phát triển khoa học quốc gia ở cả cấp Trung ương và địa phương. Đây là nơi tài trợ cho nghiên cứu cơ bản như GS nói. Tức là đòi hỏi kết quả đầu ra phải dược công bố quốc tế mới dược dải ngân.

Các doanh nghiệp cũng được Chính phủ cho phép thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ doanh nghiệp để huy động đầu tư của doanh nghiệp và xã hội cho khoa học, công nghệ.

Giáo sư cũng yên tâm vì bên cạnh 2 Quỹ này, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được Chính phủ giao thành lập 16 chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về khoa học, công nghệ và gần 10 chương trình quốc gia về khoa học, công nghệ. Trong đó, có chương trình lớn như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia…

Như vậy, những công trình lớn, liên quan đến quốc kế dân sinh, kể cả công trình không được công bố quốc tế, không được đăng báo, tạp chí quốc tế vẫn được Nhà nước hỗ trợ mạnh. Ví dụ giàn khoan dầu khí, chế tạo động cơ cho ô tô xe máy, chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Một số nhà khoa học lo ngại rằng, với cách đầu tư như Quỹ này thì chúng ta chỉ khuyến khích được sự phát triển của những nhà khoa học riêng lẻ, mà không tạo được sức mạnh tập thể các nhà khoa học. Bộ trưởng có đồng tình với nhận định này hay không?

Điều đó chỉ đúng với Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ quốc gia ở giai đoạn ban đầu. Tức là quỹ này tài trợ cho nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản thường là nhóm khoa học thậm chí cá nhân nhà khoa học có thể làm được. Vì vậy, đó là tập hợp những nghiên cứu khoa học đơn lẻ.

Các nhà khoa học yên tâm, bên cạnh quỹ đó còn có các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ, với quy chế hoạt động của nó sẽ tạo ra được tập thể mạnh vì không thể  nghiên cứu vaccine hay vi mạch chỉ một người làm được, thì phải tập hợp đội ngũ các nhà nghiên cứu từ nghiên cứu cơ bản tới nghiên cứu ứng dụng và khâu đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

NMH (s­t)

Nguồn :http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/de-tai-kh-cat-ngan-keo-la-khong-the-chap-nhan-c46a574131.html

Comments (0)
Add Comment