Câu hỏi: (PV Tô Hà-Báo nhân dân) Thưa ông, dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến kinh tế của Việt Nam trong quý I, những ngành nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
(Nguồn: https://www.thiennhien.net/2020/03/30/kinh-te-viet-nam-tang-truong-kha-so-voi-khu-vuc-va-quoc-te/)
Trả lời:
(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng, TCTK)
Trong quý I – 2020, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019 và kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, khó lường làm hầu hết các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. GDP quý I ước tính tăng 3,82% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn từ năm 2011 đến nay với sự sụt giảm ở cả ba lĩnh vực: Công nghiệp, xây dựng; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ. Các ngành chịu tác động lớn nhất là hàng không, du lịch, dệt may, xuất khẩu gỗ… Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế. Đó là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 điểm (chỉ số PMI tháng 2 còn 49 điểm), báo hiệu sự suy giảm trong các điều kiện kinh doanh và giảm nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý I cũng cho thấy, 42% số DN đánh giá gặp khó khăn so với quý trước, tỷ lệ này cùng kỳ năm 2019 chỉ là 17%. Về tình hình đăng ký kinh doanh, tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng tới 26% so cùng kỳ, phản ánh dấu hiệu tác động rất lớn của dịch Covid-19 đến cộng đồng DN. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước giảm 0,7% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư toàn xã hội cũng đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020, trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I lại tăng 5,56%, là mức cao nhất trong cùng thời kỳ.
Nhưng cần khẳng định rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng thì tăng trưởng GDP của Việt Nam đang ở mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân cả nước. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng DN và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.