Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024

Nông nghiệp là ngành sản xuất đặc thù, phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu và có tính mùa vụ cao. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản nước ta sáu tháng đầu năm 2024 vẫn duy trì tăng trưởng ổn đinh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu và thể hiện rõ ở các điểm như sau:

1. Sản lượng các loại cây trồng tăng, được mùa nhưng không bị mất giá:

Câu chuyện “được mùa mất giá” thường xảy ra trong sản xuất nông nghiệp do trồng cây chủ yếu tự phát, theo phong trào, thiếu bền vững; sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường; chưa có sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Nhưng khác với tình trạng trước đây thường là “được mùa thì mất giá”, trong 6 tháng đầu năm nay sản xuất nông nghiệp cơ bản “được cả mùa” và “được cả giá”. Điều này thể hiện ở chỗ trong khi nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng thì đồng thời giá bán sản phẩm cũng ở mức cao. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.

Đối với cây lúa là cây trồng chủ lực: Sản lượng lúa vụ đông xuân 2024 ước đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn so vụ đông xuân năm trước, giá lúa ở mức cao, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 20,41% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2023 (xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị).

Đối với cây lâu năm:

Sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm đạt khá, trong đó riêng sản lượng sầu riêng ước đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; cây ăn quả khác như ổi, mít, chanh leo, nhãn sản lượng cũng tăng khoảng 3-6%. Giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá sầu riêng ở mức khá cao, cụ thể: Tại Tiền Giang, thời điểm đầu mùa, sầu riêng thu mua tại vườn đã có giá từ 140 – 215 nghìn đồng/kg tùy loại (tăng khoảng 30.000 đồng so với đầu tháng 3/2023) và cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Với giá này, mỗi ha sầu riêng thu hoạch sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi khoảng một tỷ đồng.

Ngoài cây ăn quả, một số cây công nghiệp lâu năm tăng cả về sản lượng thu hoạch và giá bán, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất. Cụ thể: Sản lượng hồ tiêu đạt 238,2 nghìn tấn, tăng 2,3% và giá bán tăng 44,06%; cao su tăng đạt 410,7 nghìn tấn, tăng 2% và giá bán tăng 8,96%; chè đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 2,4% và giá bán tăng 2,91% …

Sản lượng rau quả và một số cây lâu năm tăng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đóng góp tích cực vào xuất khẩu hàng hóa. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cả về lượng và giá trị, giá xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới có tín hiệu phục hồi tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản sáu tháng đầu năm 2024 đạt 16,64 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 28,2%, chỉ số giá xuất khẩu rau quả bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 1,97%; hạt tiêu tăng 30,9% và chỉ số giá xuất khẩu tăng 13,31%; cao su tăng 4,5% và chỉ số giá xuất khẩu tăng 11,86%; chè tăng 26,7% và chỉ số giá xuất khẩu tăng 10,13%.

Như vậy có thể thấy, hiện tượng “được mùa mất giá” cơ bản không xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh, không theo định hướng và thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn là những điều mà người nông dân cần phải được lưu tâm và tránh tình trạng “được mùa mất giá”, đòi hỏi nông sản  Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời việc phát triển phải bảo đảm theo quy hoạch, định hướng, cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin, nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm.

2. Chăn nuôi phát triển ổn định với sản lượng thịt lợn và gia cầm xuất chuồng tăng khá, dịch bệnh được kiểm soát

Đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến và giá thịt lợn hơi ở mức cao. Trong 6 tháng đầu năm, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng khá khiến tâm lý người chăn nuôi lạc quan hơn. Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn của người sản xuất (PPI) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, quý II năm 2024 tăng 8,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 25/6, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 63.000 – 68.000 đồng/kg, thay đổi tùy từng địa phương, ở mức giá này người chăn nuôi có lãi và yên tâm sản xuất. Khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất có xu hướng ổn định và mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2024 tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 2535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (quý II ước đạt 1241,9 nghìn tấn, tăng 5,6%).

Chăn nuôi gia cầm: Nhìn chung đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định trong 6 tháng đầu năm, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt; dịch bệnh được kiểm soát tốt, chỉ phát sinh một số ổ dịch nhỏ lẻ. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Sáu năm 2024 tăng khoảng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2023; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.212,1 nghìn tấn, tăng 4,9% (quý II ước đạt 615,5 nghìn tấn, tăng 4,2%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt gần 10,1 tỷ quả, tăng 5,1% (quý II ước đạt 5,0 tỷ quả, tăng 5,0%).

3. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá; mặc dù giá cá tra nguyên liệu giảm nhưng sản lượng cá tra vẫn tăng

Trong nuôi trồng thủy sản, cá tra là một trong những sản phẩm chủ lực của nước ta, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu. Sản lượng cá tra 6 tháng đầu năm ước đạt 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù giá cá tra nguyên liệu giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng vẫn tăng khá nguyên nhân chủ yếu do: (1) Giá cá tra nguyên liệu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 (khoảng 27.700 đồng/kg) tuy thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức giá tại thời điểm cuối năm 2023 (khoảng 26.000 đồng/kg). Với mức giá trung bình 27.700 đồng/kg người nuôi có lãi nên đã thu hoạch phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu đang tăng cao trong 6 tháng đầu năm. (2) Xuất khẩu cá tra đang trên đà phục hồi, kim ngạch xuất khẩu ước tính tháng Sáu tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra ước đạt 863 triệu USD, tăng 5,8% so cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cá tra phục hồi, nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng dẫn đến sản lượng thu hoạch tăng khá. (3) Thời điểm quý II và quý III năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu ở mức cao (trung bình khoảng 29.000 đồng/kg) nên người nuôi thu được lợi nhuận lớn và mở rộng diện tích nuôi trong giai đoạn này. Thời gian nuôi cá tra trung bình từ 8 đến 10 tháng, do vậy những diện tích thả nuôi trong thời gian quý II và quý III năm trước sẽ cho thu hoạch trong 6 tháng đầu năm nay. Hơn nữa, diện tích nuôi cá tra hầu hết thuộc các vùng nuôi của doanh nghiệp với chu trình sản xuất khép kín nên tiết kiệm chi phí sản xuất và cho năng suất, sản lượng cao.

Như vậy, trong 6 tháng đâu năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản có nhiều điểm sáng, là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng của ngành nông nghiệp và khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế.

Nguồn TCTK

Comments (0)
Add Comment