Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp với Cơ quan Thống kê Hàn Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn toàn cầu OECD lần thứ 6 về Thống kê, Tri thức và Chính sách từ ngày 27 đến 29 tháng 11 năm 2018 tại Incheon, Hàn Quốc.
Trong hơn một thập kỷ, Diễn đàn toàn cầu OECD về Thống kê, Tri thức và Chính sách đã và đang thúc đẩy việc đo lường sự thịnh vượng và chính sách tới các giới hạn. Thông qua việc tập hợp hàng nghìn nhà lãnh đạo, chuyên gia và các nhà chuyên môn từ mọi lĩnh vực của xã hội, Diễn đàn đã góp phần vào sự thay đổi của một mô hình đang diễn ra mà trong đó nhấn mạnh sự thịnh vượng của người dân và tăng trưởng toàn diện là mục tiêu cuối cùng của các chính sách và hành động tập thể. Kể từ khi Diễn đàn toàn cầu OECD đầu tiên được tổ chức năm 2004, năng lực của chúng ta đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong đo lường các khía cạnh của đời sống người dân, điều đặc biệt quan trọng đối với sự thịnh vượng toàn diện và bền vững, và tăng cường mối liên kết giữa thống kê, tri thức và chính sách vì cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, giờ đây khi mà chúng ta đã có hiểu biết sâu sắc hơn về những số liệu thống kê nào và những hành động nào là cần thiết nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của ngày hôm nay, chúng ta lại càng biết ít hơn về cách thức mà sự thịnh vượng sẽ thay đổi trong những năm tới. Mục tiêu của Diễn đàn toàn cầu OECD lần thứ 6 là suy nghĩ trước về Tương lai của sự thịnh vượng và xác định những xu hướng nào sẽ có ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong những thập kỷ tới?
Tương lai của sự thịnh vượng trong một thế giới liên kết và phức tạp
Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay kết nối nhiều hơn nhưng cũng bị chia cắt hơn bao giờ hết. Các mạng trực tuyến phát triển mạnh mẽ đã đưa mọi người lại gần nhau nhưng chúng cũng gây ra sự phân cực chính trị, “tin tức giả mạo” và sự nghi ngờ giữa các nhóm. Bất bình đẳng ngày càng tăng đã trở thành một thực tế của cuộc sống, cũng như khoảng cách giữa các “nước giàu” và các “nước nghèo” ngày càng lớn hơn và trải rộng trên nhiều khía cạnh của sự thịnh vượng. Và nhiều thách thức cấp bách nhất về sự thịnh vượng mà chính phủ các nước trên toàn thế giới phải đối mặt – bao gồm biến đổi khí hậu, di cư hàng loạt và theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững – đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ly khai ngày càng lôi kéo được nhiều sự ủng hộ ở nhiều nước.
Trong tương lai, có khả năng những vấn đề phức tạp và có tính liên kết với nhau này sẽ tiếp tục chỉ rõ tính chất xã hội theo những cách ngày càng khó lường. Đảm bảo tăng trưởng và sự thịnh vượng toàn diện trong bối cảnh mới này sẽ đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện trong xã hội phải suy nghĩ và hành động một cách sáng tạo, dự đoán trước những rủi ro và cơ mội mới, mở ra một cách tiếp cận mới và các hình thức hợp tác và đối tác mới giữa các ngành.
Tập trung vào việc số hóa, quản trị và kinh doanh
Diễn đàn toàn cầu của OECD lần thứ 6 sẽ đưa ra một viễn cảnh rộng lớn để giải quyết các vấn đề tương lai của sự thịnh vượng nhưng sẽ đặc biệt nhấn mạnh tới ba xu hướng quan trọng – chuyển đổi dữ liệu số, sự thay đổi vai trò của quản trị và sự nổi lên của khu vực tư nhân với vai trò quan trọng cho việc đảm bảo sự thịnh vượng bền vững và toàn diện – cũng như nhìn vào sự tương tác lẫn nhau của ba yếu tố này. Như mọi khi, Diễn đàn sẽ giới thiệu những cải tiến và kinh nghiệm từ những người đi tiên phong trong việc đo lường và xây dựng chính sách về sự thịnh vượng từ khắp nơi trên thế giới, ngoài ra Diễn đàn cũng sẽ nghiên cứu các vấn đề từ quan điểm tiên tiến hơn rất nhiều. Thông qua việc đưa ra một cách tiếp cận bao quát để xem xét cuộc sống sẽ như thế nào trong thế giới ngày mai, Diễn đàn sẽ hướng tới xây dựng một kế hoạch hành động cho người dân, chính phủ và các doanh nghiệp ngày nay.
Bốn chủ đề của Diễn đàn lần này sẽ là:
1) Khám phá và đo lường sự thịnh vượng trong tương lai
2) Số hóa và sự thịnh vượng
3) Quản trị trong một thế giới phức tạp
4) Kinh doanh và sự thịnh vượng
Thông tin chi tiết về Diễn đàn có thể tham khảo tại https://www.oecd-6wf.go.kr/eng/main.do
ĐBH (lược dịch)
Nguồn: https://www.oecd-6wf.go.kr/eng/main.do