Điện tử, máy tính và linh kiện: điểm sáng xuất khẩu

Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Nắm bắt được tầm quan trọng đó, nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng.

Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ nhất trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD; dệt may đạt 33,3 tỷ USD; giầy dép đạt 20,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng lên trong những năm qua. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (năm 2016 chiếm 10,7%; năm 2017 chiếm 12,2%; năm 2018 chiếm 12,1%; năm 2019 chiếm 13,7%, năm 2020 chiếm 15,8%; năm 2021 chiếm 15,1%; năm 2022 chiếm 15% và năm 2023 chiếm 16,2%).

Trong  giai đoạn từ  2011 đến 2023, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng  trưởng cao, lần lượt các năm là: Năm 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5%; năm 2022 tăng 9,7% và năm 2023 ước tính tăng 3,2%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt lên trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn nhất của Việt Nam vào năm 2023 (đạt 57,3 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD).

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và những khó khăn chung của kinh tế thế giới nên giảm khá sâu so với các năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 sơ bộ đạt 681 tỷ USD, giảm 6,9% so với năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,7 tỷ USD, giảm 4,6%; nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, giảm 9,2%. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 là điểm sáng trong hoạt động xuất, nhập khẩu, sơ bộ xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Sang năm 2024, hoạt động xuất khẩu đã có dấu hiệu khởi sắc ngày càng mạnh mẽ. Trong tháng Tư, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa  ước đạt 61,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,73 tỷ USD, giảm 6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,21 tỷ USD, giảm 8,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Tư tăng 10,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 11,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,1%.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 72,8%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024

Trong bốn tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu) và chiếm trên 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Xuất khẩu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, tuy nhiên chịu ảnh hưởng không nhỏ khi thương mại toàn cầu chậm lại,thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng mới bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… xuống thấp, nên phải sản xuất cầm chừng, tìm cách giữ chân người lao động, chờ khi thị trường ấm lên.

Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, tác động lan tỏa đến phát triển các ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ ràng hơn, các thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam đều đạt mức tăng rất cao.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa …

Sản xuất công nghệp
Comments (0)
Add Comment