Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí mở Sức khỏe Môi trường của Nhà xuất bản khoa học Biomed Central cho thấy: ô nhiễm từ các vụ cháy rừng đang tác động đến sức khỏe của những người mắc bệnh hen suyễn cũng như các chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khác. Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ các hiệu thuốc và trạm xá nhằm đo lường sự gia tăng trong việc sử dụng các loại thuốc cần thiết để giảm bớt các triệu chứng liên quan đến ô nhiễm.
Hàng năm, các vụ cháy rừng thiêu hủy gần 1000 km2 diện tích cây xanh của tỉnh British Columbia, Canada. Bộ Môi trường (Canada) đã tiến hành giám sát mức độ vật chất dạng hạt trong không khí do các vụ cháy gây ra. Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều để có thể đo lường được tác động của ô nhiễm do cháy rừng đối với sức khỏe người dân nếu những trường hợp này không được khám chữa bệnh tại các bệnh viện.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh British Columbia và Đại học British Columbia đã sử dụng hồ sơ tại các bệnh xá, trạm xá để tìm hiểu xem: liệu cháy rừng có dẫn đến gia tăng sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm chủ vận beta-2 tác dụng ngắn (SABA) như salbutamol. Salbutamol sulfat thường được sử dụng dưới dạng ống hít để điều trị các triệu chứng của bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các chứng bệnh phổi tắc nghẽn khác.
Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm do cháy rừng đã làm tăng nhu cầu sử dụng salbutamol trong vòng 4 ngày sau đám cháy – ngay cả khi lượng khói tăng lên tương đối nhỏ (tăng 10μg/m3 trong chỉ số bụi PM2.5). Lượng tăng này có liên quan với mức tăng 6% trong lượng cấp phát thuốc salbutamol.
Tiến sĩ Catherine Elliott, người đứng đầu nghiên cứu này nhận xét rằng: “Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy cháy rừng và ô nhiễm đang ảnh hưởng đến sức khỏe của những người bị bệnh phổi mãn tính. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể đo lường sức khỏe cộng đồng thông qua giám sát các cơ sở dữ liệu của bệnh xá. Tuy nhiên, dữ liệu bệnh xá chỉ cho thấy ảnh hưởng trong các quần thể nhỏ và chưa được sử dụng trong các nghiên cứu về đo lường sức khỏe khác như các dữ liệu về số lượt thăm khám bác sĩ. Thông tin này thường được thu thập thường xuyên và sẵn có cho toàn bộ dân số, do đó có thể được sử dụng để thực hiện phân tích có ý nghĩa hơn”.
Quỳnh Trang
Nguồn: http://www.sciencedaily.com/releases/2013/01/130127225820.htm