Đại dịch COVID-19 đã mang lại những thay đổi to lớn trong cách con người di chuyển trên khắp thế giới. Do các hạn chế áp đặt và biên giới các nước bị đóng cửa, việc di chuyển quốc tế gần như dừng lại khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Việc di cư nội địa cũng bị hạn chế ở nhiều quốc gia do các lệnh cấm nhập cư.
Sau một năm rưỡi, dù đã có nhiều thay đổi, nhưng dòng chảy và hành vi di cư quốc tế và nội địa vẫn rất khác về mức độ và mô hình so với trước đại dịch.
Làm sao chúng ta biết được điều này?
Số liệu thống kê về di cư do các cơ quan thống kê quốc gia (NSO) lập theo nhiều cách khác nhau. Điều tra thống kê, dữ liệu thu thập từ các cửa khẩu, sổ đăng ký dân cư và nhiều nguồn dữ liệu khác được sử dụng để thu thập thông tin về số lượng người di cư, thời gian, đặc điểm và lý do di chuyển của họ. Tuy nhiên, nhiều nguồn dữ liệu bị gián đoạn bởi đại dịch. Độ tin cậy của các nguồn hành chính bị ảnh hưởng. Trong khi đó các cuộc điều tra trực tiếp rất khó hoặc không thể thực hiện ở một số quốc gia do sự giãn cách xã hội và hạn chế trong việc di chuyển. Các NSO phải điều chỉnh phương pháp của mình, chẳng hạn bằng cách chuyển sang điều tra trực tuyến hoặc qua điện thoại. Việc này đưa đến những thách thức khi cố gắng thu thập một bức tranh chính xác về người di cư, đặc biệt là những người đã di cư mà không có tài liệu.
Nhận thức được những thách thức chưa từng có mà các NSO phải đối mặt khi họ cố gắng theo dõi tác động của đại dịch đối với di cư, tuần thống kê di cư hàng năm của UNECE năm 2021 đã tập trung đặc biệt vào bối cảnh đại dịch. Các chuyên gia từ khắp khu vực và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm của họ trong các cuộc thảo luận về các thách thức đo lường và giải pháp; tác động của đại dịch đối với người nhập cư và các nhóm dân cư liên quan; hậu quả của việc suy giảm các luồng di cư và những hậu quả khác.
Ở nhiều quốc gia có dân số nhập cư lớn, cả bản thân và gia đình người di cư ở quốc gia xuất xứ của họ đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những hạn chế liên quan đến đại dịch. Ví dụ, trong một cuộc khảo sát đầu năm 2020 ở Nam Phi, cho thấy sự gián đoạn đáng kể đối với những kiều hối chảy như thu nhập của người di cư.
Trên toàn thế giới, số lượng người tị nạn và người xin tị nạn mới giảm mạnh trong năm 2020. Các chuyên gia của UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn) giải thích con số này ít hơn khoảng 1,5 triệu so với dự kiến nếu không có đại dịch, mặc dù đại dịch cũng là nguyên nhân gây ra các đợt di cư mới .
Ở Estonia , bức tranh toàn cảnh về di cư được xây dựng bằng cách sử dụng phương pháp tiếp cận “dấu hiệu của sự sống” để ước tính tình trạng di cư không đăng ký. Điều này có nghĩa một người bị “phát hiện” thường xuyên hơn trong các nguồn hành chính – ví dụ như đi học, nhận trợ cấp gia đình, đi khám bác sĩ, xin việc làm hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự – thì càng chắc chắn rằng người đó được đưa vào sổ đăng ký dân số và chưa xuất cảnh. Các phương pháp tiếp cận tương tự được sử dụng ở các quốc gia khác như Canada, Anh và Mỹ, nơi không có đăng ký dân số quốc gia thống nhất. Các quốc gia này phải áp dụng một cách tiếp cận phức tạp hơn, liên kết các nguồn dữ liệu đa dạng với nhau để xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh về cách người dân nhập cảnh hoặc xuất cảnh.
Để hỗ trợ các quốc gia Đông Âu, Caucasus và Trung Á giải quyết những thách thức đặc biệt hiện nay trong thống kê di cư, UNECE đã phát triển một mô-đun khảo sát để đo lường di cư và kiều hối. Mô- đun hiện đã được điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu thu thập dữ liệu trong bối cảnh đại dịch. Ví dụ như nhu cầu phỏng vấn từ xa, các câu hỏi được thiết kế đặc biệt để nắm bắt các tác động của đại dịch đối với di cư và số tiền mà người di cư gửi về.
Mô-đun khảo sát của UNECE cho phép các quốc gia thu thập thông tin về lý do, ý định, nghề nghiệp và thời gian lưu trú của những người di cư và trở về; liệu đại dịch có ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch, tình trạng sức khỏe hoặc việc làm của họ hay không; hành vi chuyển tiền dự định và thực tế của họ cả khi biên giới bị đóng và mở cửa trở lại. Các quốc gia sẽ sớm bắt đầu đưa mô-đun này vào các cuộc khảo sát về di cư và chuyển tiền của họ. Những thông tin này rất quan trọng khi các cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra các chính sách. Để thích ứng với những thay đổi của mô hình di cư, thị trường lao động và mức sống, vốn đã ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực nơi mà lượng di cư trải qua nhiều thay đổi. Ví dụ, ở Tajikistan số người nhập cư ít hơn 88%, số người nhập cư ít hơn 67% vào năm 2020 so với năm 2019, và ở Cộng hòa Moldova, con số này lần lượt là 57% và 77%.
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://unece.org/media/Statistics/news/362090