Theo ước tính của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tổng số người buộc phải di dời (Forcibly Displaced Persons – FDPs) đã vượt quá 110 triệu tính đến tháng 5 năm 2023 . Dữ liệu nghèo chính xác về FDPs là điều cần thiết đối với các chính phủ sở tại và các tổ chức quốc tế để đưa ra các can thiệp nhân đạo có mục tiêu và hiệu quả. Tuy nhiên, việc đo lường tình trạng nghèo đói của các FDPs, bao gồm cả người tị nạn và người di cư trong nước (IDPs), là một thách thức và tốn nhiều chi phí. Trong một bài báo nghiên cứu gần đây bối cảnh đo lường nghèo đói đang thay đổi nhanh chóng giữa các FDP đã được khám phá.
Đo lường nghèo đói về FDPs khó khăn vì nhiều lý do. FDPs thường không được phản ánh chính xác trong các cuộc điều tra hộ gia đình vì các dàn mẫu không bao gồm các FDPs một cách rõ ràng hoặc không được cập nhật thường xuyên. Những lo ngại về chính trị hoặc quyền riêng tư có thể khiến các cơ quan thống kê quốc gia bỏ qua FDPs hoặc vị trí của FDPs có thể khó tiếp cận, rủi ro hoặc đơn giản là không xác định được. Việc không có địa chỉ thường trú hoặc thường xuyên thay đổi địa chỉ khiến việc lập danh sách các hộ trong mẫu gặp nhiều khó khăn. Nếu FDPs coi chính phủ là những người góp phần vào việc buộc di dời, họ có thể ngần ngại chia sẻ dữ liệu.
Đặc thù của FDPs cũng làm cho các công cụ chuẩn đo lường nghèo trở nên bất cập. Rất khó để định lượng các dịch vụ nhà ở, giáo dục và y tế được cung cấp miễn phí trong các trại di dời. Hỗ trợ bằng hiện vật và thu nhập không thường xuyên làm phức tạp thêm việc đo lường các chỉ số tiêu chuẩn về hạnh phúc. Định nghĩa về hộ gia đình và số lượng thành viên hộ gia đình là thông tin chính cho nhiều số liệu thống kê như thu nhập hoặc chi tiêu của hộ gia đình và bất kỳ thước đo bình quân đầu người. Nhưng thông tin chính xác về số lượng và cấu trúc của các hộ gia đình FDPs rất khó có được. Mặc dù các FDPs trả lời các cuộc điều tra thường xuyên hơn so với dân số thông thường, nhưng những người tị nạn phàn nàn về sự mệt mỏi của cuộc điều tra và các FDPs có các nhu cầu cụ thể về văn hóa và ngôn ngữ phải được giải quyết khi lựa chọn điều tra viên.
May mắn thay, một giải pháp mới đã xuất hiện để giải quyết các vấn đề về dữ liệu và đo lường này. Đo lường nghèo giữa các FDPs là một lĩnh vực tương đối mới. Tuy nhiên, nó đã phát triển rất nhanh kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria. Các sáng kiến cụ thể nhằm cải thiện việc thu thập dữ liệu đã được thành lập như Trung tâm dữ liệu chung của ngân hàng thế giới-UNHCR và các sáng kiến nhằm cải thiện nghiên cứu như chương trình nghiên cứu của Anh-ngân hàng thế giới-UNHCR “Xây dựng Bằng chứng về Di dời cưỡng bức”. Ngày nay, ngân hàng thế giới có một bộ sưu tập đặc biệt trong thư viện dữ liệu vi mô tập trung vào dữ liệu về tính dễ bị tổn thương và xung đột. UNHCR cũng có một thư viện dữ liệu vi mô mới tập trung vào dữ liệu của FDPs.
Các kho lưu trữ dữ liệu này chứa hàng trăm bộ dữ liệu về FDPs với quyền truy cập chủ yếu là mở. Nhờ những tiến bộ này, nghiên cứu về FDPs hiện được xuất bản thường xuyên trên các tạp chí khoa học xã hội hàng đầu được bình duyệt. Chỉ trong vòng vài năm, nghiên cứu về di dời bắt buộc đã chuyển từ một chuyên ngành nhỏ của nghiên cứu di cư thành một lĩnh vực nghiên cứu chính với hàng nghìn ấn phẩm chuyên dụng.
Lĩnh vực mới này và những khó khăn cố hữu của nó trong việc thu thập dữ liệu và đo lường nghèo đói đã khiến các nhà khoa học phát triển các phương pháp điều tra và đo lường sáng tạo có thể phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn và được áp dụng để điều tra các nhóm dân số khó tiếp cận hoặc rất di động như trường hợp với FDPs. Những phương pháp mới bao gồm hình ảnh vệ tinh, viễn thám, điều tra điện thoại, kỹ thuật điều tra nhanh và điều tra trên mạng xã hội.
Sự kết hợp giữa dữ liệu lớn với việc sử dụng các công cụ học máy và trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng cho bối cảnh dân số FDPs vì các phương pháp truyền thống tỏ ra không phù hợp. Đổi lại, những tiến bộ này hiện đang được triển khai vì tiết kiệm thời gian và chi phí. Mặc dù các cuộc điều tra tiêu chuẩn hộ gia đình vẫn là tiêu chuẩn vàng để đo lường nghèo đói, những phương pháp mới cũng giúp mở rộng phạm vi đo lường nghèo đói và phạm vi công cụ xác nhận có sẵn cho các nhà nghiên cứu.
Sự phát triển vượt bậc trong nghiên cứu mà lĩnh vực này đã trải qua trong thập kỷ qua dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm tới. Việc Nga và Ukraine xảy ra xung đột và xung đột dân sự ở Sudan là hai sự kiện mới nhất trong một chuỗi dài các xung đột mới đang làm gia tăng FDPs trên toàn thế giới. Sự chú ý của giới truyền thông đối với FDPs và mối quan tâm nghiên cứu đối với nhóm dân số này từ phía các học giả và các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới. Do đó, việc tiếp tục đầu tư vào dữ liệu và nghiên cứu về các chủ thể này là một bước cần thiết để tăng cường năng lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các chủ thể dễ bị tổn thương.
Phạm Hạnh (dịch)
Nguồn: https://blogs.worldbank.org/dev4peace/measuring-poverty-forcibly-displaced-populations-challenges-progress-and-prospects