Sáng ngày 07/09/2022, tại trụ sở Tổng cục Thống kê (TCTK), Ban lãnh đạo Tổng cục Thống kê đứng đầu là Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc TCTK đã có buổi làm việc với Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc tại Việt nam (FAO).
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương (giữa) cùng một số lãnh đạo đơn vị thuộc TCTK tại buổi làm việc
Trao đổi với Ban lãnh đạo của Tổng cục Thống kê, Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thống kê trong các hoạt động của FAO. Theo đó, trong năm 2021, FAO đã cùng các quốc gia thông qua chiến lược 10 năm nhằm thực hiện chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc (LHQ). Mục tiêu phục vụ chuyển đổi hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm, trên 4 nội dung chính là cải thiện sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, cải thiện môi trường và cải thiện đời sống của người dân trong khu vực nông thôn. Từ đó, cụ thể hóa thành 20 mục tiêu đang được các quốc gia triển khai thực hiện. Cũng trong năm 2021, FAO đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ NNPTNT) thông qua Khung chương trình hợp tác quốc gia giai đoạn 2022 – 2026. Trong 5 năm tới, nội dung hoạt động hợp tác của FAO sẽ bao gồm 4 lĩnh vực: Sức khỏe; Ứng phó với biến đổi khí hậu; An toàn thực phẩm; Quản trị bình đẳng giới. Khung chương trình hợp tác trên sẽ đóng góp vào việc thực hiện khung hợp tác của Việt Nam với LHQ. Đồng thời, góp phần vào việc triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ Việt Nam ký ban hành vào tháng 01/2022.
Trưởng đại diện FAO, Ông Rémi Nono Womdim phát biểu tại buổi làm việc
Ông Rémi Nono Womdim đã đề xuất một số hoạt động để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ số liệu thống kê song phương trong tương lai. Trong đó, ưu tiên đầu tiên là thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường thu thập thông tin, số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp các nhà hoạch định đưa ra các chính sách giúp thu hẹp khoảng cách nghèo đói giữa khu vực nông thôn và thành thị, cải thiện mức sống người dân tộc thiểu số, cải thiện công tác quản lý tài nguyên môi trường nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trong việc hoạch định chiến lược dài hạn cho Chính phủ Việt Nam và cơ quan đối tác của Chính phủ.
Đại diện phía Tổng cục Thống kê, Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đã báo cáo tóm tắt sự hợp tác của TCTK với FAO trong thời gian qua. Theo đó, FAO đã hỗ trợ TCTK trong việc hoàn thiện phương pháp luận tính toán chỉ tiêu thống kê. Đào tạo cán bộ, công chức vụ chuyên ngành, để từ đó nâng cao năng lực thống kê trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, TCTK đã ký hơn 10 quy chế hợp tác với các Bộ, ngành, trong đó quy chế hợp tác với Bộ NNPTNT là một trong những hợp tác có hiệu quả nhất, bền vững và chặt chẽ nhất. Đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TCTK đã phối hợp với Bộ NNPTNT xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo để bàn về việc thực hiện Chiến lược. TCTK là đơn vị nắm vai trò tính toán phần lớn chỉ tiêu giám sát, đánh giá trong Chiến lược. Trong kế hoạch công tác dài hạn, TCTK đang nghiên cứu các chỉ tiêu, rà soát, bổ sung nguồn thông tin, giúp cho việc đánh giá việc thực hiện Chiến lược hàng năm.
Thay mặt Lãnh đạo TCTK, ông Dương Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn FAO tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ, công chức trong vụ chuyên ngành về 3 lĩnh vực bao gồm: chỉ tiêu SDG; xây dựng hệ thống chỉ tiêu phản ánh giá trị nông nghiệp; hệ thống chỉ tiêu đánh giá sự lan tỏa của ngành nông nghiệp đến các ngành kinh tế khác và với toàn nền kinh tế.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương gửi lời cảm ơn với những trao đổi và những đề xuất mang tính định hướng cụ thể của FAO, đặc biệt là việc liên kết với các bộ ngành, trọng tâm là Bộ NNPTNT. Tổng cục trưởng đề nghị FAO có đơn vị đầu mối để có thể trao đổi sâu hơn về hợp tác hai bên trong thời gian tới./.