Giải thưởng Quốc tế về Thống kê năm 2023

Giải thưởng Quốc tế về Thống kê hay còn gọi là Giải thưởng Thống kê quốc tế[1] được trao hai năm một lần cho một cá nhân hoặc một nhóm “vì những thành tựu trong việc sử dụng số liệu thống kê để thúc đẩy khoa học, công nghệ và phúc lợi con người”. Lễ trao giải diễn ra trong Đại hội Thống kê Thế giới. Lễ trao giải đầu tiên diễn ra tại Hội nghị Thống kê thế giới lần thứ 61 ở MarrakechMa-rốc vào tháng 7 năm 2017 cho David R. Cox vì đã phát triển mô hình “Cox’s proportional hazards model”, được mô tả là một phương pháp phân tích các dữ liệu sống còn theo mô thức hồi qui, cho phép các nhà nghiên cứu điều tra tỷ lệ sống sót của bệnh nhân trong các nghiên cứu phức tạp. Bradley Efron đã nhận được giải thưởng vào năm 2019 cho một phương pháp thống kê được gọi là Bootstrap, một phương pháp tính toán thông minh để đánh giá sự không chắc chắn trong thống kê ứng dụng. Nan Laird đã nhận được giải thưởng vào năm 2021 vì đã phát triển các phương pháp hiệu quả giúp phân tích các nghiên cứu theo chiều dọc phức tạp.

Nhà thống kê lỗi lạc Calyampudi Radhakrishna (C.R.) Rao, một giáo sư có công trình hơn 75 năm trước vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng sâu sắc đến khoa học, đã được trao Giải thưởng Quốc tế về Thống kê năm 2023. Trong bài báo đáng chú ý năm 1945 được đăng trên Bản tin của Hiệp hội Toán học Calcutta, C.R. Rao đã chứng minh ba kết quả cơ bản mở đường cho lĩnh vực thống kê hiện đại và cung cấp các công cụ thống kê được sử dụng nhiều trong khoa học ngày nay. Đầu tiên, phải kể đến là “Giới hạn dưới Cramér-Rao”, đây là một công cụ để biết khi nào một phương pháp ước lượng cho một đặc trưng tốt như bất kì một phương pháp ước lượng có thể có nào. Giới hạn dưới của Cramér-Rao có tầm quan trọng lớn trong đa dạng các lĩnh vực như xử lý tín hiệu, quang phổ, hệ thống radar, chụp X quang nhiều ảnh, rủi ro phân tích và vật lý lượng tử. Kết quả thứ hai, được đặt tên là “Định lý Rao-Blackwell” (vì nó được phát hiện một cách độc lập bởi nhà thống kê lỗi lạc David Blackwell), cung cấp một công cụ để chuyển đổi một ước lượng thành một ước lượng tốt hơn, thực tế đó là một ước lượng tối ưu. Quy trình Rao-Blackwell đã được áp dụng cho lập thể học “Stereology”, mô hình lọc “particle filter” và kinh tế học tính toán “computational econometrics”. Những kết quả này tạo thành một nền tảng để tạo ra nhiều số liệu thống kê. Và kết quả thứ ba, là cung cấp những hiểu biết tiên phong cho một lĩnh vực liên ngành mới đã phát triển mạnh mẽ là “hình học vi phân[2]”.  Gần đây, hình học vi phân đã được sử dụng để hỗ trợ sự hiểu biết và tối ưu hóa các phép đo gia tốc hạt, các ứng dụng trong nghiên cứu gần đây về radar và ăng-ten, đồng thời đóng góp đáng kể vào những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, xử lý tín hiệu, phân loại hình dạng và phân tách hình ảnh. Kết hợp lại, những kết quả này giúp các nhà khoa học trích xuất thông tin từ dữ liệu hiệu quả hơn.

Ngài Guy Nason, Chủ tịch của giải thưởng cho biết: “Khi trao giải thưởng này, chúng tôi tôn vinh công trình vĩ đại của C.R. Rao, không chỉ cách mạng hóa tư duy thống kê vào thời điểm đó mà còn tiếp tục gây ảnh hưởng to lớn đến sự hiểu biết của con người về khoa học trên nhiều lĩnh vực”. Giải thưởng Quốc tế về Quỹ Thống kê. C.R. Rao sẽ nhận được giải thưởng, đi kèm với giải thưởng trị giá 80.000 đô la, vào tháng 7 vừa qua tại Đại hội Thống kê Thế giới của Viện Thống kê Quốc tế tổ chức hai năm một lần ở Ottawa, Ontario, Canada.

Vân Anh (lược dịch và tổng hợp)

Nguồn: https://www.isi2023.org/news/2023internationalprizestatistics/

[1] Xem chi tiết tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3i_th%C6%B0%E1%BB%9Fng_Th%E1%BB%91ng_k%C3%AA_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF

[2] Khái niệm cơ bản về hình học vi phân tham khảo tại đây: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh_h%E1%BB%8Dc_vi_ph%C3%A2n

Thống kê khoa họctiêu điểm
Comments (0)
Add Comment